Đọc các thông tin về sự việc 10 em học sinh bị đánh rớt môn Âm nhạc ở một trường tiểu học tại Gia Lai, tôi cũng như nhiều người khác không khỏi thấy nực cười. Nhiều quan điểm xuất hiện trong các cuộc tám chuyện về chủ đề này. Câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh sẽ chỉ biết nhìn nhau tự hỏi là: "Rớt môn Âm nhạc à, thật không vậy?".
Trở về với mục tiêu giáo dục ban đầu của chương trình đổi mới được đưa ra vào năm 2018, vị trí môn Âm nhạc trong trường học cần giúp cho học sinh đạt được những mục tiêu sau:
Thứ nhất, hình thành, phát triển năng lực âm nhạc dựa trên nền tảng kiến thức âm nhạc phổ thông và các hoạt động học tập đa dạng để trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc. Thứ hai, nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ và tình yêu âm nhạc, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc với văn hóa, lịch sử, xã hội cùng với các loại hình nghệ thuật khác, hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống. Thứ ba, giúp học sinh có đời sống tinh thần phong phú với những phẩm chất cao đẹp, có định hướng nghề nghiệp phù hợp, phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc và phát triển các năng lực chung của học sinh.
Có thể nói, với những định hướng sâu sắc và thiết thực như vậy, bộ môn này đã được chú trọng với những đổi mới vượt bậc để phát triển trong những năm qua, nhằm giúp học sinh hoàn thiện cả về phẩm chất, nhân cách lẫn kiến thức phổ thông. Các giáo viên Âm nhạc tại các trường phổ thông công lập cũng như bán công đã ứng dụng đa dạng phong phú nhiều nội dung sáng tạo trong các tiết dạy trên lớp và ngoại khóa.
Nhiều bộ sách giáo khoa Âm nhạc đổi mới cũng được ra đời để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu đã đề ra. Nhìn vào những chương trình được dàn dựng các tiết mục công phu với sự hợp tác của cả thầy và trò đầy hào hứng phấn khởi, có thể cảm nhận một làn gió tươi mới đang thổi vào cánh đồng giáo dục Âm nhạc của nước ta, mang đầy sức sống mới.
Tuy nhiên, mọi sự phát triển đều đi kèm theo thách thức của riêng nó. Năm học 2022-2023 các trường phổ thông đã phải đối mặt với một đợt khan hiếm giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật trên toàn khu vực trong và ngoài thành phố. Lý do có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân gốc rễ nhất mà các bạn đồng nghiệp của tôi luôn than thở đó là: "Lương thì ít mà việc thì nhiều".
>> Tiểu học thiếu giáo viên giỏi
Quay trở lại với câu chuyện ở trường tiểu học tại tỉnh Gia Lai đang gây tranh cãi trong những ngày qua, với 800 học sinh nhưng chỉ có duy nhất một giáo viên Âm nhạc, tôi có thể hiểu được phần nào áp lực rất lớn mà giáo viên này phải gồng gánh trong cả năm học. Bên cạnh việc phải lên lớp mỗi ngày và giữ cho phong độ luôn ổn định để đáp ứng nhu cầu giảng dạy (ca hát, chơi đàn) cho đến việc soạn giáo án, họp hành định kỳ, nhập điểm số mỗi lớp, tổ chức dàn dựng các chương trình âm nhạc, giáo viên còn phải tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy để làm sao tạo ra sự hiệu quả cho công việc...
Với một con số ít ỏi tiền lương hàng tháng, thử hỏi người giáo viên sẽ biết dựa vào động lực nào để luôn vui vẻ, hào hứng trong mỗi tiết học mà không trở nên cọc cằn, hung dữ? Đó là khía cạnh về vật chất, ngoài ra còn có những yếu tố ở khâu tổ chức và quản lý cũng có thể ảnh hưởng tới tâm lý giáo viên.
Đổi mới về chương trình giáo dục Âm nhạc có kết hợp với mô hình huấn luyện giáo viên cách quản lý học sinh đổi mới hơn không? Có cách thức nào nhanh gọn, tiện lợi hơn để nhập dữ liệu, theo dõi và đánh giá khả năng của học sinh? Chúng ta đã có thể ứng dụng công nghệ thông tin cách phổ quát rộng rãi như thế nào đến các trường phổ thông để giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian, công sức cũng như là cả tiền bạc cho mỗi giờ làm việc?
Mặt khác, sự tuyên truyền của ban giám hiệu nhà trường đến phụ huynh các cấp về vai trò của môn Âm nhạc cho việc đánh giá xét duyệt chất lượng học tập của con em có được thực hiện tốt từ đầu năm học? Tôi sẽ không nghi ngờ gì mà đưa ra nhận định rằng, với phần đông quan điểm của các ba mẹ: môn Âm nhạc vẫn chỉ là một môn phụ và kết quả của bộ môn này sẽ không thể quan trọng như một số môn học khác. Và tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó, nhưng chỉ một nửa.
Đất nước chúng ta sẽ cần nhiều kiến trúc sư trẻ trong tương lai để xây dựng nên những công trình hiện đại, tân tiến. Chúng ta cũng sẽ cần nhiều bác sĩ sẵn sàng lao vào phòng nghiên cứu những loại virus mới và chữa bệnh cứu người. Việt Nam cần hơn nữa một đội ngũ kỹ sư công nghệ mới sẽ giữ lấy vai trò phát triển hệ thống mạng lưới công nghệ thông tin, nâng tầm phát triển xã hội để nền văn minh không bị tụt hậu... Nhưng hãy nghĩ xem nếu nguồn nhân lực này phải chịu đựng những áp lực nặng nề vì một xã hội mãi chạy theo giá trị vật chất để phát triển, họ sẽ phải tìm lối thoát nào cho sự chật hẹp đang bị vây hãm bởi công việc - tiền bạc - gia đình?
>> Buổi lễ tri ân thầy cô cầu kỳ
Nghệ thuật chắc chắn sẽ nâng con người lên khỏi những áp lực hữu hình và cả vô hình đó. Một người nếu được tiếp cận giáo dục âm nhạc từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường, người đó sẽ phát triển khả năng cảm thụ thưởng thức âm nhạc. Anh ta sẽ nhận thức được cái hay, cái đẹp của cuộc sống, của văn hóa, của lịch sử thông qua những bài hát, những bài ca. Anh ta cũng sẽ biết trân trọng nét đẹp tinh thần dân tộc, tình cảm giữa con người với nhau qua những câu dân ca, bài vè, bài lý... và với lý tưởng đó, nếu được giáo dục đúng cách và hợp lý, sẽ hình thành nên những người trẻ trưởng thành với cả một tâm trí thông sáng và một trái tim nhân hậu, yêu người, yêu đời.
Điều cuối cùng là về chính người giáo viên. Tôi tin rằng, mỗi giáo viên dạy Âm nhạc và cả Mỹ thuật đều rất cần thời gian để tìm kiếm nguồn cảm hứng cho riêng họ. Nghệ thuật là nơi chứa đựng nhiều sự chiêm nghiệm cũng như thực hành của một cá nhân. Nếu như những bài Toán được giải bằng các công thức thì nghệ thuật cần được "giải" bằng một trái tim có đủ chỗ để rung cảm.
Giữa hàng ngàn trách nhiệm từ vai trò làm con, làm vợ, làm mẹ, cho đến làm thầy làm cô, thật khó cho một giáo viên dạy nghệ thuật có thể tìm thấy thì giờ để khơi gợi nguồn cảm hứng với bộ môn mà họ đang theo đuổi, từ đó có thể tiếp tục truyền lại cái hay, cái đẹp cho thế hệ tương lai. Nếu như mỗi người giáo viên dạy nghệ thuật đã bỏ quên đi thời gian làm đầy cho bản thân thì họ sẽ biết rót gì vào tai cho các học sinh của mình trong mỗi tiết học?
Thiết nghĩ, ban lãnh đạo nhà trường cần quan tâm tạo điều kiện để giáo viên có thể sắp xếp thời gian trong việc phát triển năng lực chuyên môn và tiếp tục trau dồi, nuôi dưỡng tài năng của các giáo viên nghệ thuật.
Tựu chung, sẽ còn nhiều khía cạnh để các cơ sở giáo dục và các trường học phổ thông có cơ hội được nhìn nhận về những gì đã, đang làm để tiếp tục hoàn thiện chương trình dạy và học môn Âm nhạc. Nhưng tôi có một niềm tin lạc quan vào sự phát triển của giáo dục âm nhạc nước nhà. Và khi chúng ta bắt đầu quan tâm đến yếu tố cốt lõi nhất của mọi thứ, là con người, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận lại được những trái chín ngọt ngào.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.