Cháu của tôi năm nay bắt đầu học chuyên nghiệp. Khi học ở phổ thông, cháu có tư duy khá tốt. Với năng lực tư duy của mình như vậy thì cháu hoàn toàn có thể học tốt, có thể thi đậu vào những trường đại học tốt, vào trường có thể học tốt nếu có phương pháp học tốt.
Tôi là một giáo viên (GV) nên cũng có chút kinh nghiệm về giáo dục (GD). Tôi góp ý với cháu là nên chú ý học trên lớp, học kỹ sách giáo khoa, nên vừa học ở nhà, vừa học trên mạng qua những khóa học chất lượng, không nên đi học thêm nhiều. Nếu học như vậy thì nhất định sẽ học tốt, nhất định có thể đỗ được trường tốt.
Tôi có góp ý nhiều lần như vậy, tiếc rằng cháu đã không nghe, đi học thêm tối ngày. Bên cạnh đó có thể nói là cháu đã không được may mắn lắm khi gặp những thầy cô giáo dạy thêm cho các cháu đến tận 9, 10h đêm, gần đến ngày thi mà vẫn dạy như vậy.
Có thể các thầy cô giáo này dạy để kiếm tiền, hơn nữa các thầy cô giáo này có thể có trình độ rất thấp nên không hiểu rằng các em học sinh (HS) không thể học thêm triền miên như vậy, cần phải có thời gian tự học để hấp thụ kiến thức, cần có thời gian đào sâu kiến thức, biến kiến thức của sách vở thành kiến thức của mình.
Các thầy cô này là những người có trình - level rất thấp nên đã dạy thêm các em tối ngày, HS nào đen đủi thì sẽ gặp những thày cô như vậy, cháu tôi không may đã nằm trong số những HS đen đủi này.
Kết quả là kỳ thi vừa qua cháu tôi chỉ đạt hơn 22 điểm, cộng với cả điểm cộng thì được khoảng 24 điểm, với mức điểm này thì đỗ được một trường tốt là không thể. Cháu đã đăng ký và chuẩn bị nhập học ở một trường top dưới, không mấy người nghe đến tên trường này.
Tôi đã gặp nhiều sinh viên của trường này và tôi nhận thấy rằng khi ở trong trường thì ít khi các em nhận mình là sinh viên của trường đó, sau khi ra trường kiến thức của các em này thu được rất ít, kết quả là hầu như các em đều làm trái ngành, rất khó khăn khi ra trường.
Vì vậy nên tôi luôn khuyên các em HS đừng nên thi vào trường đó, đừng học trường đó vừa tốn tiền vừa tốn thời gian; nếu chọn trường này thì nên đi học nghề hay đi làm công nhân thì hợp lý hơn. Không ngờ giờ đây cháu mình lại học đúng trường đó. Rồi tương lai của cháu sẽ ra sao, sẽ thế nào đây khi phí hoài bốn năm đại học ở một ngôi trường có trình độ thấp. Chỉ nghĩ đến thế thôi tôi đã rất buồn.
Tâm trạng càng nặng nề hơn khi thấy thời gian biểu của con mình. Bé nhà tôi năm nay học lớp 2, đến thời điểm này thì cháu đã gần hoàn thành năm học. Khi vào năm học thấy cháu được học cô giáo mới có vẻ nhiệt tình, thân thiện nên gia đình tôi thấy vui vui, có phần yên tâm nữa.
Tuy nhiên chỉ sau hai, ba tuần thì cô nhắc nhở các phụ huynh (PH) cho các cháu đi học thêm ở trung tâm, cô sẽ trực tiếp giảng dạy thêm cho các cháu, thời gian từ 19h đến 21h. Thế nghĩa là các cháu lớp 2 như con nhà tôi sẽ học ở lớp từ 7h10 đến 10h, 14h đến 16h45; học ở trung tâm từ 19h - 21h; rồi về nhà có thể học tiếp từ khoảng 21h30 khoảng gần 10 tiếng một ngày. Thật kinh hoàng.
Với cô giáo này, từ yêu mến thì PH như tôi đã chuyển sang bực bội, ghét bỏ. Tôi là đàn ông lại được học hành đàng hoàng nên rất ít khi tôi nói khó nghe, ít khi nói xấu ai, thường nói về các thầy cô với giọng kính trọng nhưng tôi buộc lòng phải nói về cô giáo của con mình như vậy.
Từ câu chuyện của con mình, cháu mình trên đây tôi lại liên tưởng đến chuyện dạy thêm, học thêm. Dạy thêm, học thêm có rất nhiều tác hại chẳng hạn như triệt tiêu tính sáng tạo của HS mà báo chí vẫn thường xuyên lên tiếng. Hậu quả của việc dạy thêm, học thêm gây ra là vô cùng nặng nề như trường hợp của cháu tôi ở trên.
Trung Quốc đã đưa ra quy định cấm dạy thêm vì lợi nhuận và yêu cầu trường học giảm tải lượng bài tập - chính sách "giảm kép". Sự kiện chấn động này chỉ trong một đêm đã "xóa sổ" một ngành công nghiệp trị giá 100 tỉ đôla, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người và tác động to lớn đến toàn xã hội thế nhưng họ vẫn quyết định làm.
Nhiều người Việt Nam mong chúng ta cũng sớm có quyết định như vậy. Tuy vậy, dù người người mong muốn chấm dứt nạn dạy thêm, cơ quan quản lý cũng có nhiều biện pháp để chấm dứt vấn nạn này nhưng kết quả vẫn không có nhiều thay đổi, học sinh vẫn phải học thêm tối ngày.
Tôi không gợi ý để PH bắt HS đi học thêm như cô giáo của con tôi, nhưng là một giáo viên Toán của một trường trung học phổ thông, tôi đã có chút thâm niên, khá có tiếng ở trong vùng, dù năm nào nhà trường cũng nhắc nhở GV chuyện không được dạy thêm, tuy nhiên vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là do thu nhập từ việc dạy thêm là khá lớn nên tôi cùng một số GV trong trường vẫn tổ chức dạy thêm tại nhà dù có thể bị phạt, cảnh cáo...
Quan sát chuyện học thêm, và dạy thêm thì tôi nhận thấy rằng dù có sự lên tiếng mạnh mẽ của toàn xã hội, dù có các biện pháp kiểu khiển trách, cảnh cáo... như hiện nay với những GV cố tình tổ chức dạy thêm đều không có hiệu quả. Vậy chúng ta chịu bó tay trước vấn nạn này?
Dù lợi nhuận di việc dạy thêm là không nhỏ, tuy nhiên vì những điều lớn lao hơn nên tôi mong muốn cần cấm dạy thêm càng sớm càng tốt. Tôi đã lên tiếng với mong muốn là những biện pháp hành chính như phạt, kỷ luật... có thể dẹp bỏ nạn dạy thêm. Nhưng tôi đã nhầm, có lẽ cần những biện pháp cứng rắn hơn nữa.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.