Theo chương trình mới, từ năm 2021, học sinh THCS không học Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý riêng lẻ mà học Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, gọi là môn tích hợp. Giáo viên phải học bốn năm để dạy một môn, giờ phải dạy thêm hai môn "không khác gì đánh đố", là nỗi trăn trở chung của nhiều thầy, cô giáo bộ môn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cùng chung nỗi bức xúc khi phải vật lộn thay đổi cách dạy và học, độc giả Alice chia sẻ: "Tôi không thể nào hiểu nổi, tại sao lại phải dạy tích hợp khi đào tạo một giáo viên đã mất ít nhất bốn năm, chuyên trách một bộ môn cụ thể, sau đó họ còn phải tích lũy kinh nghiệm và kiến thức trong suốt quá trình giảng dạy suốt nhiều năm mới có thể tự tin đứng lớp?
Các thầy cô thực tập có nhiều cái còn phải học hỏi nếu học sinh hỏi trúng vấn đề khó về chuyên môn của mình. Vậy mà đùng một cái lại bắt họ đi học chứng chỉ mấy tháng rồi về dạy 'chéo sân' hai môn khác vốn không được đào tạo chuyên sâu, mà cũng toàn môn quan trọng, vậy thì kiến thức của thầy cô còn hổng lỗ chỗ chứ nói gì đến truyền đạt cho học sinh hiểu. Có khi học gia sư bên ngoài còn tốt hơn thầy cô trên lớp.
Nếu cứ đưa ra đề án rồi thực thi luôn như thế thì năm nào thầy cô giáo cũng phải chật vật chạy theo chương trình và học sinh cũng trở thành vật thí nghiệm của cải cách giáo dục. Đến giờ, lứa giáo viên được đào tạo môn tích hợp còn chưa ra trường mà chúng ta đã áp dụng giảng dạy cho học sinh rồi. Ngày trước, tuy cứ kêu ca giáo dục nặng, nhưng tôi thấy ít nhất còn rõ ràng, mạch lạc, môn nào ra môn đấy, quy trình đơn giản. Giờ thì đổi mới nhưng khó từ quyển sách giáo khoa trở đi".
>> Sách giáo khoa 'no dồn, đói góp'
Thấu hiểu những bất cập khi phải giảng dạy môn tích hợp, bạn đọc Phước Đặng Hữu trăn trở: "Tôi là một giáo viên lâu năm nhưng bản thân cũng không hiểu tại sao lại triển khai chương trình tích hợp khi chưa biết đã có đầy đủ các điều kiện cơ bản hay chưa?
Thứ nhất, cơ cấu giáo viên để dạy các môn tích hợp vẫn chưa có. Giáo viên học tập cả bốn năm trời ở đại học mới tạm đủ hành trang để dạy một môn chuyên ngành, trong khi tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy được cả các phân môn trong tổ hợp chỉ vỏn vẹn vài ba tháng, vậy thì có phải làm khó cho giáo viên hay không? Giáo viên đứng trên bục giảng liệu có tự tin với kiến thức các môn tích hợp của mình hay không? Học sinh có thiệt thòi về mặt tiếp thu và thực hành kiến thức hay không? Hệ lụy của việc này có lẽ phải trả giá bằng nhiều thế hệ học sinh lơ mơ kiến thức.
Thứ hai, việc giảng dạy nhiều bộ sách giáo khoa của nhiều nhà xuất bản khác nhau, khiến việc cung ứng sách không kịp thời (do nhà xuất bản phải phụ thuộc vào số trường chọn bộ sách của mình để lên kế hoạch in ấn sau khi các trường chốt chọn)".
Ủng hộ định hướng dạy tích hợp, tuy nhiên độc giả Vinh Tuấn cho rằng, cần có thay đổi để hạn chế những bất cập phát sinh: "Dạy tích hợp, liên môn là một chủ trương đúng đắn và khoa học, đã được nhiều nước tiên tiến áp dụng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, lối giảng dạy và đào tạo cũ đã khắc sâu vào một bộ phận giáo viên nên nảy sinh nhiều bất cập. Chúng ta chưa đồng bộ việc đào tạo giáo viên dạy tích hợp, chưa đồng bộ được cơ sở vật chất với nội dung giảng dạy mới.
Một ví dụ đơn giản của dạy tích hợp tương đối khả thi là Lịch sử và Địa lý. Học sinh có thể thực hành vẽ bản đồ của triều đại kết hợp các mốc thời gian lịch sử. Việc vẽ bản đồ lại sử dụng thuật toán tỷ lệ, các bạn có thể thuyết trình sử dụng thể loại văn nghị luận, và có thể sử dụng tiếng Anh (tích hợp với ngoại ngữ), học sinh có thể phát triển thành dự án kịch, múa...
Tuy nhiên, để làm được những việc trên, chúng ta cần có sự chuẩn bị, định hướng, phối hợp của nhiều giáo viên bộ môn có đủ tâm và tầm mới có thể làm được. Trong khi thực tế, phần lớn giáo viên chưa được đào tạo và chuẩn bị kỹ càng cho điều này. Đây chính là vấn đề cần được khắc phục sớm trong thời gian tới".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.