Phiên họp giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông chiều 14/8 nêu nhận định cần biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước (do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì) để tránh hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa. Không thể phủ nhận một số lượng không nhỏ ý kiến cho rằng cần thêm một bộ sách (được coi là tiêu chuẩn) từ Bộ.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là việc quay ngược về một bộ sách (tiêu chuẩn) có đi ngược lại Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội (chủ trương xã hội hóa gắn liền với đa dạng các bộ sách, tăng khả năng lựa chọn cho nhà trường và phụ huynh)?
Cái bất cập cốt yếu của việc có nhiều bộ sách giáo khoa hiện nay là tuy nhiều về số lượng nhưng lại không có nhiều sự lựa chọn. Về lý thuyết, lẽ ra khi có nhiều bộ sách thì phải được tự do lựa chọn. Giáo viên A muốn dạy sách A thì chọn sách A, giáo viên B muốn dạy sách B sẽ chọn sách B. Ngoài ra, học sinh lớp 6 học sách A vẫn có thể chuyển sang học sách B lớp 7...
Muốn làm được như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải thống nhất được chỉ mục của từng môn học và mục tiêu phải đạt được cho từng mục này. Sau đó, khi Bộ duyệt sách cần đảm bảo các bên có soạn theo đúng chỉ mục và đạt các mục tiêu đề ra hay không?
>> 'Chỉ cần một bộ sách giáo khoa dùng chung cả nước'
Lấy ví dụ, chương trình lớp 6 môn Ngữ văn, tuần một yêu cầu học sinh phải học một bài thơ của chương trình thơ mới. Sách A có thể chọn thơ Tản Đà, sách B chọn thơ Chế Lan Viên. Nhưng cái cốt lõi mà cả hai bộ sách cùng phải đạt được là cho học sinh hiểu tính chất của phong trào thơ mới là gì? Chứ không phải bắt học sinh phải học thuộc câu chữ của từng bài thơ hay tác giả, tác phẩm...
Tương tự cho sách môn Toán, Bộ có thể đề ra mục tiêu sau tiết đầu tiên, học sinh phải biết được phép cộng số có một chữ số. Sách A và sách B có thể triển khai, tiếp cận kiến thức theo các hướng khác nhau, nhưng cuối cùng, học sinh dù học sách nào cũng phải biết làm phép tính cộng số có một chứ số sau khi kết thúc tiết đầu tiên. Như vậy mới gọi là hoàn thành mục tiêu về chất lượng sách giáo khoa.
Nếu làm được điều đó, đồng nghĩa với việc học sinh dù có học sách A hay sách B thì sau khi kết thúc chương trình cũng đều đạt được mục tiêu đề ra và có thể làm được bài thi chung như nhau. Chứ tình hình sách giáo khoa như hiện nay còn tồn tại rất nhiều bất cập. Ví dụ như học sinh nếu chọn sách A từ năm lớp 6 thì suốt cả bốn năm THCS cứ phải theo tiếp sách A. Học sinh nào học trường chọn sách A thì không thể chuyển sang trường học sách B giữa chừng được. Làm vậy là mất đi cơ hội được lựa chọn sách của nhà trường và phụ huynh".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.