Ngày 26/8, ThS.BS.CKII Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, trực tiếp thực hiện gây tê cho bệnh nhân mổ não thức tỉnh một tuần trước, cho biết như trên, thêm rằng "đây là ca mổ yêu cầu kỹ thuật cao".
Bệnh nhân được mổ thức tỉnh là ông Ngọc (42 tuổi, ngụ Bình Dương) cấp cứu do đột quỵ, liệt nửa người trái. Theo ThS.BS.CK2 Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, kết quả chụp CT não cho thấy khối xuất huyết não ở bán cầu bên phải. Huyết áp thời điểm nhập viện cao (170/110 mmHg).
Các bác sĩ hội chẩn khẩn cấp, điều chỉnh huyết áp về ngưỡng cho phép, chỉ định mổ não thức tỉnh sớm bằng robot trí tuệ nhân tạo (AI).
"Mổ thức tỉnh đột quỵ xuất huyết não khi bệnh nhân vẫn tỉnh táo, có thể giao tiếp, cử động được khó hơn nhiều so với mổ truyền thống gây mê toàn thân", bác sĩ Sĩ nói. Đổi lại, bác sĩ có thể đánh giá, kiểm soát chức năng thần kinh, vận động, ngôn ngữ trong và ngay sau mổ tốt hơn.
Bác sĩ Khương cho hay cái khó là phải gây tê hiệu quả, đúng kỹ thuật để bệnh nhân đủ tỉnh táo mà vẫn không cảm thấy đau khi được mổ não. Mục đích nhằm đảm bảo người bệnh nằm im, hợp tác trong suốt cuộc mổ, tránh kích động, cựa quậy, co giật dẫn đến phù não, tổn thương cột sống cổ nguy hiểm. Muốn như vậy, liều lượng thuốc tê phải được tính toán chặt chẽ, điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu của cuộc mổ và diễn biến, phản ứng thực tế của người bệnh.
Người bệnh cũng được điều chỉnh lượng thuốc tê để kiểm soát các chỉ số nhịp tim, hô hấp, huyết áp, SpO2. Bác sĩ sử dụng thiết bị Entropy theo dõi độ sâu an thần khi cần cho bệnh nhân ngủ tránh ngủ sâu dẫn tới ức chế hô hấp và phản xạ đường thở, tụt oxy, ngưng tim.
Đầu tiên, bác sĩ gây tê toàn bộ da đầu bệnh nhân, dùng máy siêu âm để xác định và phong tỏa 12 nhánh thần kinh chi phối vùng đầu. Khi rạch da đầu, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nói chuyện được. Khi chuẩn bị khoan sọ, mở màng cứng, bác sĩ gây tê thêm thuốc giúp bệnh nhân an thần, "mê man" vừa đủ, không bị kích thích, đau.
Thuốc tê chỉ có tác dụng nhiều ở vùng da đầu, còn ở xương sọ và màng cứng bệnh nhân có nhiều thụ thể cảm nhận đau. Sau đó, ê kíp lại điều chỉnh giảm thuốc để bệnh nhân tỉnh táo, có thể tương tác trong khi loại bỏ máu tụ.
Để đảm bảo thành công, trước khi mổ thực, ê kíp mổ mô phỏng trên máy tính, nhằm chọn đường tiếp cận lấy máu tụ an toàn, tránh va chạm làm tổn thương các bó sợi dẫn truyền thần kinh. Người bệnh được chụp MRI 3 Tesla, chụp bó sợi thần kinh DTI, đưa dữ liệu vào phần mềm chuyên dụng của robot mổ não AI để phân tích đường vào lấy máu tụ tối ưu. Robot giúp bác sĩ thấy rõ khối máu tụ, dây thần kinh, mô não lành trên cùng một hình ảnh 3D, nhờ đó không gây tổn thương các bó sợi thần kinh tránh để lại di chứng cho người bệnh.
Ca mổ thực tế theo đúng đường mổ mô phỏng trước đó, theo bác sĩ Khương. Bệnh nhân cử động, nói chuyện trong quá trình phẫu thuật để bác sĩ đánh giá chức năng thần kinh, mức độ tương tác.
Sau 30 phút, bác sĩ lấy hết máu tụ, khoảng 50 ml. Các mô não xung quanh và các bó sợi thần kinh được bảo toàn. Bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục sức khỏe, giao tiếp tốt sau 6 ngày điều trị, tiếp tục tập vật lý trị liệu cải thiện liệt nửa người.
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết thêm đột quỵ gây xuất huyết trong não để càng lâu càng nguy hiểm. Ngoài việc khối máu tụ gây choán chỗ, chèn ép cấu trúc thần kinh, chỉ sau 4 giờ xuất huyết não, khối máu tụ bắt đầu phản ứng viêm, sản sinh ra các độc tố tế bào, làm tổn thương tế bào não xung quanh, tổn thương hàng rào máu - não, gây bất lợi cho các tế bào não còn lại.
Người bệnh cần mổ cấp cứu trong 24 giờ đầu (muộn hơn thì hiệu quả kém hơn). Tốt nhất là cấp cứu trước 8 giờ đầu kể từ khi có dấu hiệu đột quỵ xuất huyết não vì sau đột quỵ cứ mỗi phút trôi qua là có hai triệu tế bào não chết đi. Giải quyết khối máu tụ càng sớm, nguy cơ tổn thương giảm, khả năng được cứu sống và hồi phục cao.
Bình An
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |