Gai gót chân là hiện tượng hình thành những gai xương trên xương gót chân do canxi lắng đọng lâu ngày tại đây. Các gai này có xu hướng "mọc" về phía vòm bàn chân, gây đau đớn cho người bệnh trong mỗi bước đi, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc khi thực hiện các hành động làm gia tăng áp lực lên gót chân.

Gai gót chân gây đau đớn dữ dội khi đi lại, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Shutterstock
ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, cho biết gai xương gót chân có mối liên hệ mật thiết với tình trạng viêm cân gan bàn chân. Cụ thể, cân gan bàn chân là dải gân cơ kéo dài từ các chỏm xương bàn tới xương gót, giúp bàn chân có độ nhún và duy trì độ cong sinh lý của bàn chân. Khi xảy ra các vấn đề gây thoái hóa nhóm gân này sẽ dẫn đến viêm cân gan bàn chân. Khi đó, những sợi gân chết đi sẽ bị các tinh thể canxi lắng đọng lên, hình thành gai gót chân.
Ở giai đoạn đầu, khi gai xương còn nhỏ, không bùng phát viêm cân gan bàn chân cấp tính, sẽ xuất hiện những cơn đau nhẹ, có thể kiểm soát bằng thuốc, hoặc không gây đau. Trong nhiều năm, khi quá trình vôi hóa lắng đọng canxi không ngừng diễn ra, gai xương phát triển ngày càng to lên sẽ gây ra những cơn đau dữ dội.
Trong quá trình điều trị tình trạng gai gót chân, bác sĩ sẽ kết hợp nhiều biện pháp nhằm giải quyết triệu chứng, làm tiêu biến gai xương, ngăn ngừa tái phát và biến chứng. Thông thường, những cơn đau gót chân khởi phát là do viêm gân gót. Vì vậy, đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định một đơn thuốc giảm đau kháng viêm nhằm giải quyết tình trạng này. Thời gian sử dụng thuốc được giới hạn ngắn nhất có thể để phòng ngừa nguy cơ biến chứng.
Sau đó, người bệnh sẽ được thực hiện xung kích vật lý trị liệu. Đây là phương pháp sử dụng các sóng âm tác động xuyên qua da, tấn công vào gai xương gót chân làm kích thước nhỏ dần. Gai xương sẽ biến mất sau khoảng 4 - 8 liệu trình. Tuy nhiên, sau khi điều trị thành công, người bệnh cần tiếp tục duy trì xung kích từ 1 - 2 tuần/lần để tránh nguy cơ tái phát. Theo bác sĩ Vũ, đây là phác đồ điều trị toàn diện nhất vì cho kết quả ổn định, dài lâu, ít nguy cơ tái phát.

Trị liệu bằng xung kích làm tiêu biến gai xương gót chân. Ảnh: Shutterstock
Dù hiếm khi xảy ra nhưng nếu sau 2 - 4 tuần điều trị bảo tồn không hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật. Lúc này, bác sĩ sẽ đục một lỗ nhỏ ở gót chân người bệnh và đưa dụng cụ nội soi vào mài mòn gai xương.
Ngoài ra, tùy vào tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định tiêm collagen hoặc tiêm huyết tương giảm tiểu cầu PRP vào những gân đã bị tổn thương. Các thuốc này có tác dụng làm tan canxi lắng đọng trên gân, tái tạo lại các gân đã bị thoái hóa, thúc đẩy tổn thương nhanh lành hơn, từ đó điều trị thành công gai xương gót chân.
Gai gót chân thường gặp ở những người trên 30 tuổi, có thói quen sinh hoạt và làm việc không hợp lý như phải đi đứng nhiều, mang giày dép không vừa chân hoặc miếng lót chân không phù hợp... Bên cạnh đó, những người gặp phải các vấn đề về sức khỏe như thừa cân quá mức, chấn thương gót chân... cũng có nguy cơ mắc phải tình trạng này. Vì vậy, một thói quen sinh hoạt, vận động và làm việc lành mạnh sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả.
Ngoài ra, bác sĩ Vũ lưu ý, đau gót chân có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý khác như hội chứng ống cổ chân, chèn ép dây thần kinh... . Do đó, người bệnh cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác bệnh và có phác đồ điều trị đúng đắn, phòng ngừa biến chứng.
Phi Hồng