Bà Hồ Thị Trúc Hậu bị tai nạn một tháng trước, tổn thương đầu gối nhưng uống thuốc không bớt. Chân phải đau nhức nặng hơn, yếu rõ rệt, đầu gối lệch một bên mỗi khi bước đi.
Ngày 15/10, ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh bị đa chấn thương gồm trật khớp gối tự nắn, đứt đa dây chằng, tổn thương sụn chêm ngoài và tràn dịch khớp gối nặng.
"Tình trạng người bệnh nghiêm trọng, hy hữu khi đứt đồng thời ba trong 4 dây chằng chính là chéo trước, sau và bên trong", bác sĩ Ân nói. Khi giãn hoặc đứt một trong những dây chằng chính điều khiển chuyển động khớp gối, đầu gối bị tổn thương, gây sưng đau và hạn chế vận động.
Trật khớp gối có thể điều trị dễ dàng bằng cách nắn chỉnh, nhưng tổn thương sụn chêm và đứt dây chằng là thách thức. Do phát hiện tổn thương trễ, bác sĩ không thể nối các dây chằng lại cho bà Hậu mà phải tái tạo dây chằng. Dây chằng chéo trước và dây chằng bên trong được tái tạo bằng cùng một mảnh ghép của một phần gân tứ đầu nông. Dây chằng chéo sau được tái tạo bằng mảnh ghép gân mác dài. Bác sĩ Ân cho biết các vị trí lấy gân để tái tạo dây chằng cho bà Hậu đã được nhiều nghiên cứu chứng minh ít ảnh hưởng đến chức năng của khớp và chức năng đi lại của chi dưới.
Các dây chằng được tái tạo theo kỹ thuật All-inside (tất cả bên trong) để đạt kích thước lớn nhất phù hợp với giải phẫu của dây chằng tự nhiên. Bác sĩ nội soi, cố định gân xương bằng chỉ siêu bền, dụng cụ treo và vít, giảm tối đa nguy cơ nhiễm trùng. Người bệnh ít đau hơn trong và sau phẫu thuật, đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
Người bệnh còn bị đứt rễ sụn chêm bên ngoài khiến sụn chêm (sụn có hình chữ C ở đầu gối) lật ra phía trước. Nếu không được điều trị kịp thời, tổn thương sụn chêm có thể dẫn đến những biến chứng như thoái hóa khớp gối sớm, teo cơ tứ đầu đùi...
Với những tổn thương của bệnh nhân, bác sĩ quyết định tạo một đường hầm xuyên qua xương, thông qua đó đính lại rễ sụn chêm. Đây là kỹ thuật phức tạp nhưng giúp duy trì được chức năng của sụn chêm, giảm nguy cơ thoái hóa khớp.
Tất cả tổn thương được xử lý đồng thời trong một ca phẫu thuật kéo dài hai giờ. Hai ngày sau phẫu thuật, bà giảm đau rõ rệt, có thể đi lại nhẹ nhàng, cảm thấy đầu gối chắc chắn hơn, có thể gập duỗi chân. Sau ba ngày, bà được xuất viện, dự kiến sau 1-2 tháng có thể tự đi lại, không cần dùng nạng.
Bác sĩ Ân khuyến cáo người bị chấn thương nên nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa để được khám kịp thời, tránh bỏ lỡ thời gian "vàng" điều trị.
Phi Hồng