Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh tiểu đường không kiểm soát đường huyết tốt dễ gặp các biến chứng về mắt. Tình trạng này xảy ra ở cả người bệnh tiền tiểu đường. Một số biến chứng mắt người bệnh thường gặp như bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm do tiểu đường, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp...
Đường huyết cao thay đổi lượng chất lỏng, gây sưng tấy các mô trong mắt. Các tình trạng này chỉ xuất hiện tạm thời và tự mất khi mức đường huyết về bình thường.
Nếu đường huyết cao trong thời gian dài, các mạch máu nhỏ ở phía sau mắt dễ dẫn đến hư hỏng. Lúc này các mạch máu mới phát triển nhưng yếu hơn, có xu hướng chảy vào phần giữa của mắt dẫn đến sẹo hoặc áp lực cao nguy hiểm cho mắt. Hầu hết bệnh mắt liên quan đến tiểu đường đều có nguyên nhân xuất phát từ mạch máu.
Theo bác sĩ Tùng, tổn thương có thể bắt đầu trong thời kỳ tiền tiểu đường (tình trạng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để bác sĩ chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2). Người bệnh tiểu đường có các yếu tố như cholesterol cao, hút thuốc lá, huyết áp cao... dễ mắc các bệnh về mắt hơn.
Dưới đây là 4 bệnh mắt thường gặp do tiểu đường gây ra.
Bệnh võng mạc tiểu đường: Võng mạc là lớp trong cùng của nhãn cầu. Võng mạc cảm nhận ánh sáng và gửi tín hiệu cho não giải mã để chúng ta có thể nhìn thấy xung quanh. Các mạch máu tổn thương tác động lên võng mạc gây bệnh võng mạc tiểu đường. Bệnh võng mạc tiểu đường là nguyên nhân phổ biến dẫn đến mất thị lực.
Phù hoàng điểm: Hoàng điểm là một phần của võng mạc nằm ở phía sau mắt, giúp nhận biết màu sắc, chi tiết hình ảnh. Bệnh tiểu đường có thể khiến hoàng điểm sưng (phù hoàng điểm). Theo thời gian, phù hoàng điểm làm mất thị lực một phần hoặc mù lòa.
Bệnh tăng nhãn áp: Xảy ra khi mắt tăng áp lực nội nhãn gây tổn thương thần kinh thị giác, bó thần kinh nối mắt với não. Bệnh tiểu đường làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp, dẫn đến mất thị lực hoặc mù lòa.
Đục thủy tinh thể: Thủy tinh thể là thấu kính có cấu trúc trong suốt giúp mắt nhìn vật sắc nét hơn. Thủy tinh thể có xu hướng đục khi già đi. Đường huyết cao khiến cặn tích tụ trong thủy tinh thể, tăng khả năng mắc bệnh.
Khi gặp các vấn đề về thị lực do đường huyết cao, người bệnh có thể có triệu chứng gồm tầm nhìn mờ, lượn sóng, tối màu, màu sắc kém, xuất hiện sương mờ trong tầm nhìn, ánh sáng nhấp nháy, mất thị lực.
Bác sĩ Tùng cho biết thêm kiểm soát tốt đường huyết là cách tốt nhất ngăn ngừa bệnh mắt do tiểu đường. Đường huyết mục tiêu mỗi người khác nhau, nhìn chung chỉ số HbA1c (đường huyết trung bình trong ba tháng) nên dưới 7%.
Bác sĩ Tùng khuyến cáo người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường, theo dõi đường huyết và tái khám thường xuyên. Khám mắt hàng năm trong vòng 5 năm kể từ khi chẩn đoán bệnh tiểu đường type 1. Người tiểu đường type 2 nên khám mắt ngay sau khi chẩn đoán mắc bệnh và kiểm tra mắt ít nhất mỗi năm một lần. Phụ nữ bị tiểu đường nên khám mắt trước khi mang thai hoặc trong ba tháng đầu thai kỳ, tái khám mắt thường xuyên đến sau sinh một năm.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |