Tràn dịch khớp xảy ra khi dịch khớp tràn vào các mô xung quanh khớp như sụn, dây chằng, gân... làm khớp sưng và căng lên. Hiện tượng tràn dịch có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, trong đó có khớp vai. Bác sĩ Lê Đăng Phong, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, là một trong những khớp hoạt động nhiều nhất nên khớp vai rất dễ bị tổn thương và tràn dịch. Khớp vai được cấu tạo từ ổ cối xương bả vai và chỏm xương cánh tay, bao quanh bên ngoài là hệ thống dây chằng, các bó cơ và bao khớp. Khi xảy ra hiện tượng tràn dịch khớp, vùng giữa đầu xương cánh tay và mỏm quạ ở khớp vai sẽ sưng và phù nề.
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tràn dịch khớp vai bao gồm nhiễm trùng, chấn thương và bệnh lý... Cụ thể, nhiễm trùng khớp vai còn gọi là viêm khớp nhiễm trùng, xảy ra khi các mô xung quanh khớp chứa đầy mủ. Nếu không được điều trị kịp thời, khớp sẽ bị phá hủy dần theo thời gian, người bệnh có thể buộc phải làm phẫu thuật thay khớp. Chấn thương xảy ra khi sử dụng khớp quá mức và không đúng cách như chơi cầu lông thường xuyên nhưng sai tư thế; hoặc gãy xương, chấn thương dây chằng do va chạm mạnh trong sinh hoạt hàng ngày hoặc tai nạn giao thông... cũng có thể gây tràn dịch khớp vai. Ngoài ra, tình trạng tràn dịch có thể xuất phát từ các bệnh lý như u hoặc ung thư, viêm khớp dạng thấp, gout...
Tràn dịch khớp vai làm xuất hiện các triệu chứng đặc trưng như sưng, nóng, đỏ đau ở khớp vai và vùng da xung quanh, đau phần cổ vai; căng cứng, giảm khả năng vận động ở khớp vai... Khi phát hiện những dấu hiệu này, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám. Để chẩn đoán chính xác tình trạng tràn dịch, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm, kiểm tra chuyên sâu như xét nghiệm công thức máu cho biết mức độ viêm khớp, thông qua hình ảnh X-quang phát hiện chấn thương hoặc tình trạng thoái hóa khớp vai...
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tràn dịch, bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau như chăm sóc tại chỗ, dùng thuốc, chọc hút dịch và phẫu thuật.
Chăm sóc tại chỗ: Khi xảy ra tình trạng tràn dịch, người bệnh nên để khớp vai được nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Sau đó chườm nóng giúp giảm tràn dịch và đau khớp. Trong một số trường hợp cần thiết, có thể sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen và naproxen.
Dùng thuốc: Nếu tràn dịch xảy ra do bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc để điều trị nguyên nhân gây tràn dịch hoặc kiểm soát các triệu chứng như thuốc kháng sinh nếu tràn dịch do nhiễm trùng; thuốc colchicine dành cho những người bị bệnh gout; steroid giúp ngăn chặn các hóa chất gây viêm...
Hút dịch khớp thường được chỉ định trong những trường hợp tràn dịch nặng, dùng thuốc không mang lại hiệu quả rõ rệt. Bác sĩ có thể chỉ định hút dịch ra để giảm áp lực cho khớp vai, từ đó giảm sưng đau, giúp người bệnh vận động dễ dàng và thoải mái hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp điều trị tạm thời. Sau khi được chọc hút, tình trạng tràn dịch có thể tái phát nếu nguyên nhân gây bệnh không được tìm ra và điều trị.
Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng, chỉ được thực hiện khi tất cả các phương pháp điều trị trên đều không hiệu quả và tình trạng tràn dịch làm tổn thương cấu trúc khớp.
Bác sĩ Phong nhấn mạnh, tràn dịch khớp vai có thể điều trị nếu phát hiện nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời. Do đó, người bệnh nên sớm đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám nếu phát hiện các triệu chứng bất thường ở khớp vai.
Phi Hồng