Cà phê là thức uống buổi sáng quen thuộc của nhiều người, thúc đẩy năng lượng, tăng cường khả năng tập trung và trao đổi chất. Tuy nhiên, uống cà phê khi bụng đói có thể gây ra một số rủi ro sức khỏe.
Lo lắng, bồn chồn
Caffeine là chất kích thích làm tăng mức độ tỉnh táo và năng lượng. Tuy nhiên, dùng cà phê chứa caffeine lúc đói có thể tăng cảm giác lo lắng, hồi hộp, bồn chồn. Trạng thái hưng phấn cao độ này gây khó chịu, cản trở hoạt động hàng ngày, từ đó giảm khả năng tập trung.
Tăng axit dạ dày
Cà phê có tính axit cao, uống lúc bụng đói dễ làm tăng sản xuất axit dạ dày. Lượng axit thừa này gây cảm giác khó chịu, ợ nóng, trào ngược axit, loét dạ dày. Theo thời gian, nồng độ axit dạ dày cao làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng hơn như viêm loét dạ dày.
Gián đoạn quá trình tiêu hóa
Thói quen uống cà phê còn có khả năng gián đoạn quá trình tiêu hóa tự nhiên. Thông thường, cơ thể giải phóng axit dạ dày và các enzyme tiêu hóa để đáp ứng với lượng thức ăn nạp vào, hỗ trợ quá trình phân hủy, hấp thu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, chỉ uống cà phê mà không ăn có thể kích hoạt giải phóng dịch tiêu hóa sớm hơn, giảm hấp thu chất dinh dưỡng.
Cản trở hấp thụ chất dinh dưỡng
Cà phê chứa tannin, hợp chất có nguy cơ cản trở hấp thụ một số chất dinh dưỡng như sắt, canxi, nhất là khi bụng đói. Tình trạng này kéo dài dẫn đến thiếu hụt các dưỡng chất.
Tăng vấn đề về tiêu hóa
Người gặp vấn đề về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột uống cà phê khi chưa ăn dễ khiến triệu chứng nặng hơn. Nguyên nhân là do caffeine làm tăng nhu động ruột, gây tiêu chảy hoặc đau bụng, phá vỡ sự cân bằng của hệ tiêu hóa.
Tăng phản ứng căng thẳng
Uống cà phê khi bụng rỗng góp phần tạo ra phản ứng căng thẳng quá mức, có khả năng làm nặng hơn các tình trạng liên quan đến căng thẳng. Caffeine kích thích giải phóng cortisol từ tuyến thượng thận, thường gọi là hormone căng thẳng. Mức độ cortisol tăng cao ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe như giảm chức năng miễn dịch, tăng cân và rối loạn tâm trạng.
Lượng đường trong máu biến động
Khi uống lúc đói, caffeine ảnh hưởng đến độ nhạy insulin và chuyển hóa glucose, dẫn đến biến động lượng đường trong máu. Lúc này người uống cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh, thèm nhiều đường hoặc caffeine hơn để bớt các triệu chứng.
Mất nước
Caffeine là chất lợi tiểu, thúc đẩy sản xuất nước tiểu và dẫn đến tăng mất chất lỏng trong cơ thể. Uống cà phê khi chưa ăn có thể mất nước nặng hơn, nhất là khi không duy trì đủ lượng chất lỏng trong ngày. Mất nước gây ra triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
Bảo Bảo (Theo Health Shots, Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |