Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt... ảnh hưởng trực tiếp đến hệ vi sinh, thúc đẩy sản xuất dịch mật, enzyme phục vụ cho quá trình tiêu hóa. Một số thói quen lành mạnh buổi sáng có thể cải thiện sức khỏe đường ruột.
Uống nước ấm
Uống nước ấm ngay khi thức dậy góp phần bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể sau một giấc ngủ dài. Nước ấm làm ấm cơ thể, loại bỏ độc tố, thúc đẩy lưu thông máu. Nhờ đó, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, ngăn ngừa táo bón.
Nhấm nháp một cốc nước ấm vào buổi sáng còn hỗ trợ kiểm soát căng thẳng và lo lắng. Uống từng ngụm nhỏ 1-2 ly nước, từ từ để nước ngấm dần vào các tế bào, tránh gây áp lực cho tim và thận.
Vận động
Đi bộ 30 phút mỗi ngày cải thiện đáng kể các triệu chứng táo bón. Mỗi sáng người lớn nên đi bộ nhẹ nhàng, đạp xe hoặc tập những động tác yoga đơn giản nhằm cải thiện nhu động ruột, thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru hơn. Vận động thể chất vào buổi sáng còn có lợi cho tâm trạng, giảm căng thẳng, quá trình chuyển hóa dưỡng chất diễn ra tốt hơn.
Ăn sáng giàu chất xơ
Ưu tiên ăn thực phẩm giàu chất xơ, chất béo lành mạnh cho bữa sáng để cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn, thúc đẩy nhu động ruột. Bánh mì nguyên cám, bột yến mạch, trái cây, rau xanh, các loại hạt, sữa chua... giàu chất xơ góp phần nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi trong ruột, ngăn ngừa táo bón.
Cân đối các nhóm dưỡng chất bao gồm tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin. Tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ để khoang miệng có đủ thời gian tiết ra các enzyme tiêu hóa, bớt áp lực cho dạ dày, ngăn ngừa các triệu chứng ợ hơi, khó tiêu.
Uống cà phê
Thưởng thức cà phê buổi sáng không chỉ giúp tinh thần tỉnh táo, sảng khoái, mà còn tốt cho hệ tiêu hóa. Theo bác sĩ Bích, uống 1-2 ly cà phê nguyên chất mỗi ngày góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh gan. Thành phần chính của cà phê là caffein có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Caffeine vào cơ thể tạo ra paraxanthine có khả năng làm chậm quá trình xơ hóa.
Cà phê hỗ trợ tăng cường sức khỏe ruột bằng cách tác động lên quá trình sản xuất axit của dạ dày, bài tiết mật và tuyến tụy, tăng khả năng vận động của ruột già. Mỗi ngày uống 1-2 ly cà phê là cách tăng cường chủng vi khuẩn có lợi, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Tuy nhiên, cần chọn cà phê sạch, với liều lượng vừa phải, không quá đậm đặc.
Đi đại tiện
Thời gian ngủ là lúc hệ tiêu hóa làm việc, giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất, đồng thời đẩy chất thải đến ruột già để đào thải ra ngoài. Trong khoảng một giờ sau thức giấc, đại tràng co bóp mạnh gấp ba lần so với thời gian còn lại trong ngày. Do đó, đi đại tiện vào khung giờ này trùng với nhịp sinh học nên quá trình diễn ra dễ dàng hơn. Tập thói quen đi đại tiện buổi sáng bằng cách ăn tối nhiều chất xơ, uống đủ nước, đi dạo vào sáng sớm và ăn sáng.
Bác sĩ Ngọc Bích khuyên kiểm soát căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái bởi căng thẳng làm giảm các vi sinh có lợi, dẫn đến quá trình tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng, gây đầy bụng, khó tiêu. Mỗi ngày nên dành 15-20 phút đọc sách, nghe nhạc, thiền, tập yoga hoặc hít thở sâu để mang lại lợi ích cho sức khỏe hệ tiêu hóa.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |