Hệ vi sinh vật trong đường ruột giúp tiêu hóa thức ăn, phân hủy, hấp thụ chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Đường ruột khỏe tác động đến một số chức năng cơ thể, bao gồm miễn dịch, sức khỏe tâm thần, kiểm soát cân nặng, sức khỏe làn da, cân bằng nội tiết tố, giải độc. Mất cân bằng vi sinh vật xảy ra tại đây có nguy cơ ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Một số thay đổi về lối sống, chế độ ăn uống hỗ trợ khôi phục sự cân bằng vi sinh vật trong ruột.
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ là chất dinh dưỡng quan trọng, ảnh hưởng đến chức năng của ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng. Một số thực phẩm giàu chất xơ bao gồm rau xanh, các loại đậu và hạt, trái cây, quả mọng, bột yến mạch, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt.
Uống đủ nước
Nước đóng vai trò như chất bôi trơn, tạo điều kiện cho thức ăn di chuyển dễ dàng. Uống nhiều nước cũng góp phần làm giảm lượng vi khuẩn có thể gây ra triệu chứng tiêu hóa. Người trưởng thành uống ít nhất 8-10 ly nước mỗi ngày để tránh các vấn đề đường ruột.
Tránh thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn và các chất phụ gia có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh về đường ruột, chẳng hạn viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, ung thư đại trực tràng. Hạn chế ăn mì gói, bánh ngọt đóng gói, bánh quy, xúc xích..., thay bằng thực phẩm tươi, protein nạc.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ có ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách. Ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể dẫn đến một số vấn đề về hệ tiêu hóa. Duy trì giấc ngủ ít nhất 7-8 tiếng mỗi đêm để cơ thể khỏe mạnh.
Ăn chậm
Ăn chậm, nhai kỹ tốt cho tiêu hóa, đồng thời cải thiện sức khỏe đường ruột. Điều này còn giúp giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường, đồng thời lựa chọn thực phẩm tốt hơn.
Bổ sung probiotic
Probiotic là vi khuẩn tốt vì chúng có thể thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh. Probiotic cung cấp men vi sinh điều chỉnh hệ vi sinh vật có lợi, tăng cường hàng rào để ngăn ngừa các vấn đề không mong muốn. Chúng có trong thực phẩm lên men như sữa chua, phô mai, kim chi, đậu tempeh, dưa muối.
Chú ý tình trạng không dung nạp thực phẩm
Ngoài bổ sung thực phẩm có lợi, bạn cũng nên chú ý các triệu chứng không dung nạp thực phẩm. Theo dõi và ngừng ăn một số loại thực phẩm nếu gặp triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, trào ngược axit, đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng.
Tăng cường thực phẩm giàu collagen
Collagen là loại protein được cơ thể sản xuất để cung cấp cấu trúc, hỗ trợ và củng cố xương, cơ, da cùng các mô liên kết. Đây cũng là protein quan trọng đối với sức khỏe đường ruột. Thực phẩm giàu collagen gồm bông cải xanh, trái cây họ cam quýt, trứng, các loại hạt, thịt.
Kiểm soát căng thẳng
Mức độ căng thẳng gia tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa. Cách kiểm soát căng thẳng bao gồm thiền, yoga, hít thở sâu, nghe nhạc, đi bộ.
Bảo Bảo (Theo Health Shots)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |