Nhà chức trách Mỹ cho biết đợt bùng phát có thể bắt nguồn từ dâu tây hữu cơ tươi mang nhãn hiệu FreshKampo và HEB, hạn sử dụng kể từ ngày 5/3 đến ngày 25/4.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông tin dâu tây được bán tại các cửa hàng, chuỗi siêu thị lớn như Walmart, Aldi, HEB, Kroger, Safeway,...
Những quả dâu này hiện đã hết hạn sử dụng. Quan chức y tế khuyến cáo người mua từ ngày 5/3 đến ngày 25/4 nên vứt bỏ chúng, ngay cả khi đã để đông lạnh.
Tại Mỹ, FDA xác định 17 trường hợp mắc viêm gan A liên quan đến dâu tây. 15 ca nhiễm ở California, hai ca khác lần lượt ở Minnesota và North Dakota. Cơ quan này cho biết 12 người đã phải nhập viện.
Còn tại Canada, giới chức xác nhận 10 ca nhiễm, trong đó 4 người phải nhập viện điều trị. Hiện chưa có ca tử vong nào được báo cáo tại cả hai nước.
Viêm gan A là loại bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Nó có thể lây truyền qua thực phẩm tiêu thụ sau chế biến, nếu người xử lý không tuân thủ quy tắc vệ sinh, khử khuẩn thích hợp, FDA cho biết.
Các triệu chứng phát triển từ 15 đến 20 ngày sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn. Triệu chứng điển hình là mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, vàng da, nước tiểu sẫm màu và phân nhạt.
Trong một tuyên bố, hãng thực phẩm HEB cho biết họ không nhập hoặc phân phối dâu tây hữu cơ từ nhà cung cấp đang bị điều tra y tế kể từ ngày 16/4. Công ty cho biết: "Tất cả dâu tây bán tại HEB đều an toàn, không có mầm bệnh liên quan đến cuộc điều tra của FDA".
FreshKampo cho biết hãng không còn nhận phân phối dâu tây hữu cơ tươi có liên quan đến đợt dịch viêm gan. "FreshKampo muốn người tiêu dùng biết rằng hãng sẽ tiếp tục làm việc với các quan chức y tế, đối tác trong chuỗi cung ứng để xác định vấn đề trong dây chuyền và thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn vấn đề tái diễn", hãng nói.
Thục Linh (Theo NY Times)