Dịch tiết âm đạo là hỗn hợp gồm dịch, chất nhầy, mồ hôi, dầu, vi khuẩn, kinh nguyệt và các tế bào từ niêm mạc âm đạo. Phụ nữ trưởng thành trung bình tiết 1-4 ml dịch âm đạo mỗi ngày, tăng lên khi nồng độ estrogen cao hơn, ví dụ khi mang thai và rụng trứng hoặc có kích thích tình dục.
Khi dịch tiết âm đạo nhiều hơn 4 ml có thể là triệu chứng của bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung. Lý do là tế bào sản xuất chất nhầy của cổ tử cung hướng ra bên ngoài âm đạo, thay vì nằm bên trong ống cổ tử cung, từ đó gây tăng tiết dịch.
Nếu dịch tiết âm đạo có màu đục, ngứa và đỏ, sưng đau khi đi tiểu, chị em có thể bị thay đổi độ pH âm đạo khiến một số vi sinh vật phát triển quá mức, ví dụ nấm candila (thường gây bệnh tưa miệng). Nếu dịch âm đạo có mùi tanh, sủi bọt, chị em có thể bị viêm âm đạo.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục đôi khi cũng làm tăng tiết dịch âm đạo, dịch âm đạo thường có mủ (khi mắc bệnh nhiễm trùng chlamydia và lậu), màu vàng, sủi bọt và có mùi hôi. Băng vệ sinh lót âm đạo nhiều ngày cũng thường khiến dịch tiết có mùi.
Dịch tiết âm đạo bình thường sẽ không có mùi mạnh hoặc khó chịu, phải có màu trắng hoặc trong, dính, ướt và trơn. Nếu dịch âm đạo không có các biểu hiện trên, chị em đừng tự chẩn đoán, hãy đi khám bác sĩ.
Để âm đạo khỏe mạnh, có dịch tiết bình thường, chị em nên tránh các sản phẩm có thể gây kích ứng da. Không sử dụng xà phòng hoặc gel để rửa âm đạo; không sử dụng chất khử mùi hoặc khăn lau vệ sinh có mùi thơm. Chị em cũng không thụt rửa sâu trong âm đạo để tránh gây khô, kích ứng, đau âm đạo.
Chi Lê (Theo Healthline, Conversation)