Xước hay rách âm đạo là chấn thương các mô khu vực âm đạo, gồm bên trong âm đạo và bộ phận sinh dục ngoài. Vết rách âm đạo lớn thường gặp ở chị em đã sinh nở. Các vết xước nhỏ hoặc rất nhỏ khá phổ biến, hay xảy ra trong quá trình sinh hoạt, vệ sinh và thường tự lành. Tuy nhiên, tổn thương mô âm đạo nhìn chung khó nhận thấy. Chị em có thể cảm thấy đau nhẹ đến đau nhói khi tiểu tiện, sau khi vệ sinh vùng kín hoặc sau quan hệ.
Một số chị em thấy khó chịu khi chèn tampon, sinh hoạt chăn gối bị ngứa rát. Vết xước trở nặng có thể gây chảy máu hoặc chảy dịch âm đạo. Theo Cleveland Clinic (Mỹ), bệnh nhân cần thăm khám sớm nếu thấy triệu chứng không tự khỏi, trở nặng, như đi tiểu tiện có mùi, nước tiểu đổi màu, vết xước có thể nhìn thấy và sâu, bị sốt hoặc ớn lạnh, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Vết xước rách âm đạo có thể xảy ra do tác nhân sau.
Tác động vật lý
Vết cắt âm đạo có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, theo Đại học Washington (Mỹ), thường do quan hệ tình dục khi âm đạo không đủ ẩm. Can thiệp vệ sinh như cạo và wax vùng lông âm đạo cũng có thể gây tổn thương khu vực âm đạo. Quan hệ tình dục quá mạnh, sử dụng sai dụng cụ thủ dâm, âm đạo bị khô hoặc mỏng mô do lão hóa cũng có thể gây xước âm đạo. Chị em đặt và tháo băng vệ sinh không đúng quy cách cũng có thể gây tổn thương âm đạo.
Bệnh chàm
Trong một báo cáo về cách chăm sóc da vùng âm đạo trên tờ Harvard Health, bệnh lý da vùng sinh dục như bệnh chàm có nguy cơ cao gây xước âm đạo. Đây là tình trạng da tạo mảng đỏ gây viêm, nứt và ngứa, gây các triệu chứng khởi phát khác nhau như gây chảy hoặc rỉ dịch, tạo vảy, gây bỏng rát.
Viêm da âm hộ
Rối loạn viêm da âm hộ (còn gọi là bệnh lichen planus) là một bệnh lý về da vùng sinh dục, gây đau rát và nứt nẻ, tiết dịch vàng và mòn mô âm đạo.
Ngoài ra, còn có một tình trạng viêm da mạn tính thường ảnh hưởng vùng da bộ phận sinh dục ngoài và quanh hậu môn nữa là bệnh lichen sclerosus. Da bị nhiễm bệnh này dễ bị rách, nứt gây xước âm đạo hơn. Bên cạnh đó, tình trạng teo âm đạo khiến mô âm đạo trở nên khô hơn, mỏng hơn và kém đàn hồi dẫn đến dễ bị rách hơn.
Bệnh vẩy nến
Bệnh vẩy nến gây ngứa, tạo vảy và khô trên âm hộ nơi da có độ ẩm cao, hình thành các mảng màu hồng.
Viêm âm đạo
Một nghiên cứu của Đại học Y khoa Sungkyunkwan (Hàn Quốc) cho biết, bệnh lý nhiễm trùng nấm men âm đạo cũng là nguyên nhân phổ biến tạo ra vết xước âm đạo. Viêm âm đạo là bệnh nhiễm trùng nấm men Candida có thể gây ra các cụm mụn nước có thể rỉ dịch thành vết cắt thẳng nhỏ vùng âm đạo.
Phẫu thuật, xạ trị
Tổn thương mô cũng có thể xảy ra do phẫu thuật hoặc xạ trị vùng chậu. Ngoài ra, chị em đang điều trị bệnh có dùng thuốc steroid cũng có thể gây ra nhạy cảm mô da âm đạo gây rách.
Cách điều trị
Vết cắt xước ở âm đạo thường nhanh lành sau vài ngày và không để lại sẹo nên chị em có thể an tâm tự chăm sóc. Bạn nên giữ vết thương sạch, khô, tránh tiếp xúc các sản phẩm dễ gây kích ứng vết thương và tránh các hoạt động gây ma sát vết thương. Các đôi nên tránh quan hệ tình dục thời gian này kể cả ân ái nhẹ nhàng. Chị em nên mặc đồ lót chất liệu cotton thoải mái, hoặc có thể không mặc. Chị em cũng nên tắm sạch, giữ vệ sinh cơ thể rồi lau khô khu vực âm đạo trước khi mặc quần áo; có thể dùng miếng lót chất liệu vải mềm thay cho băng vệ sinh đến khi vết thương lành.
Thời gian này, chị em nên tránh sử dụng các loại xà phòng có mùi hương, dùng gel bôi trơn hoặc các chế phẩm sinh học có tính tẩy rửa cao vì có thể gây kích ứng vết thương. Trung tâm Sức khỏe phụ nữ trẻ (CYWH, Mỹ) gợi ý cách giảm đau buốt khi đi vệ sinh đơn giản. Chị em có thể hòa nước ấm vào dòng nước tiểu để giảm đau buốt khi đi vệ sinh; uống nhiều nước thời gian này để giảm lượng axit gây buốt vết thương trong nước tiểu. Các liệu pháp như ngâm mình trong bồn tắm nước ấm, 10-15 phút vài lần mỗi ngày cũng được khuyến nghị có thể giúp nhanh lành vết thương tự nhiên.
Chị em thực hiện giữ nơi ở sạch thoáng, tinh thần vui tươi và lưu ý nhịp sinh hoạt "chăn gối" lành mạnh để vết thương nhanh lành. Nên thăm khám sản phụ khoa nếu thấy tình trạng vết xước âm đạo không khỏi, có dấu hiệu trở nặng hoặc không chắc chắn về bệnh lý gặp phải để được chữa trị.
Mai Trinh (Theo Very Well Health)