Bà Trà uống, tiêm thuốc vào khớp suốt 6 năm qua, không thể sinh hoạt bình thường. Ngày 20/3, ThS.BS.CKI Trương Hữu Bảo, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khớp gối bên phải của bệnh nhân bị thoái hóa giai đoạn 4 - giai đoạn nghiêm trọng nhất. Lớp sụn khớp gần như bị bào mòn hoàn toàn, đầu xương biến dạng, hẹp khe khớp, xơ xương dưới sụn và lượng dịch bôi trơn khớp giảm nghiêm trọng.
Các đầu xương cọ xát vào nhau khi người bệnh chuyển động gây đau, khó chịu nhiều, giảm khả năng vận động. Phim chụp X-quang còn cho thấy khớp gối phải vẹo vào trong 13 độ, làm thay đổi dáng đi. Người bệnh được chỉ định thay khớp để khôi phục chức năng vận động.
Ê kíp bác sĩ sử dụng khớp gối nhân tạo UC (Ultra congruent) cho bà Trà do ưu điểm nổi bật là tăng biên độ vận động. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể gập gối đến 155 độ, nhiều hơn các loại khớp nhân tạo khác gần 40 độ. Khớp gối xoay được khoảng 20 độ, giúp người bệnh thực hiện động tác xoay chuyển khi chơi thể thao, điều mà đa số các loại khớp nhân tạo khác không làm được, theo bác sĩ Bảo.
Trong tất cả loại khớp gối nhân tạo đều có một mảnh nhựa polyethylene, chịu trách nhiệm làm sụn khớp. So với các loại khác, mảnh nhựa trong khớp gối UC dày phía trước hơn. Nhờ đó hạn chế hao mòn và tăng cường sự ổn định cho khớp, phòng ngừa nguy cơ trật khớp, nhất là khi người bệnh thực hiện các động tác khó.
Khớp UC khi lắp vào cơ thể chỉ cần mài mòn một ít xương nên bảo tồn xương tối đa, rút ngắn thời gian phẫu thuật và thắt garo cầm máu. Người bệnh có thể hạn chế tổn thương cơ tứ đầu vùng đùi, ít đau và phục hồi nhanh hơn.
Ngày đầu sau phẫu thuật, bà Trà không còn đau, có thể đi lại nhẹ nhàng và bắt đầu tập vật lý trị liệu. Ngày thứ ba, người bệnh có thể gập gối đến 120 độ, thực hiện khoảng 80% động tác liên quan đến khớp gối. Thời gian điều trị và hậu phẫu chỉ 5 ngày.
Tái khám sau 12 ngày, bà Trà không còn đau khớp gối và có thể quét nhà, nấu ăn, đi lại bình thường, lên xuống cầu thang. Bác sĩ tiên lượng sau 4-6 tuần, người bệnh có thể tập trở lại các môn thể thao yêu thích.
Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý rất phổ biến, nhất là ở người cao tuổi. Người bệnh nhẹ và vừa có thể kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh bằng thuốc, vật lý trị liệu, kết hợp lối sống khoa học. Bác sĩ Bảo khuyến cáo người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ thay khớp khi bệnh tiến triển nặng, tiếp tục dùng thuốc có thể gây hại cho cơ thể.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |