Ngày 7/12, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bà Hòa bị xuất huyết tiêu hóa cấp gây mất nhiều máu.
Bà Hòa mắc nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, tim thiếu máu cục bộ mạn tính, suy tim, Parkinson. Bác sĩ truyền máu bù lại khối lượng tuần hoàn đã mất. Sau khi hồi sức cho người bệnh ổn định huyết động, bác sĩ nội soi phát hiện xuất huyết tiêu hóa.
Theo tiến sĩ Khanh, bà Hòa bị chảy máu ở dạ dày là do dị dạng điểm mạch Dieulafoy ít gặp. Tỷ lệ tổn thương Dieulafoy chiếm khoảng 1-2% nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa và 6,5% trong tất cả nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày, tá tràng) không do giãn tĩnh mạch. Dữ liệu Thư viện Y khoa Mỹ, năm 2021, ghi nhận 136 trường hợp tổn thương Dieulafoy.
Tiến sĩ Khanh giải thích bà Hòa tuổi cao, có nhiều bệnh nền nên tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Người bệnh dùng thuốc tim mạch dự phòng khiến niêm mạc dạ dày dễ tổn thương, teo mỏng và xuất hiện các cấu trúc dị dạng mạch. Tuổi cao là yếu tố khiến niêm mạch dạ dày viêm teo nhiều hơn, tăng nguy cơ xuất huyết. Tăng huyết áp cũng làm tăng áp lực động mạch, dễ xuất hiện các cấu trúc mạch giãn hoặc dị dạng.
Bà được cầm máu bằng kẹp clip (kẹp kim loại giúp cầm máu, vá vết cắt) thông qua nội soi can thiệp. Theo bác sĩ Khanh, phương pháp nội soi được xem là tiêu chuẩn quan trọng nhất giúp chẩn đoán và điều trị tổn thương Dieulafoy. Kẹp clip có hiệu quả trong điều trị tổn thương với tỷ lệ thành công là 95%.
Một ngày sau can thiệp, sức khỏe bà Hòa cải thiện, đỡ mệt mỏi, hoa mắt, đại tiện phân vàng, huyết động ổn định, xuất viện sau một ngày. Bác sĩ khuyến cáo trong những ngày đầu, người bệnh nên ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu, tránh các hoạt động nặng.
Tổn thương Dieulafoy được mô tả lần đầu tiên bởi bác sĩ phẫu thuật người Pháp Paul Georges Dieulafoy, vào năm 1898. Tổn thương bao gồm một mạch máu có đường kính rộng bất thường 0,1-0,3 cm, lớn gấp 10 lần so với kích thước của động mạch dưới niêm mạc bình thường.
Những mạch máu bất thường có đường đi ngoằn ngoèo, có xu hướng nhô qua chỗ khuyết niêm mạc (0,2-0,5 cm) khiến chúng dễ bị tổn thương bởi những chấn thương cơ học nhẹ. 70% các tổn thương được tìm thấy ở dạ dày. Ít gặp hơn, các tổn thương ngoài dạ dày có thể phát sinh ở tá tràng, đại tràng, hỗng tràng, thực quản hoặc vị trí nối phẫu thuật.
Theo tiến sĩ Khanh, tình trạng mạch máu dưới niêm mạc giãn nở gây xuất huyết. Nếu chẩn đoán sai hoặc không phát hiện chính xác và điều trị kịp thời, những tổn thương này nguy hiểm do chảy máu ồ ạt dẫn đến tỷ lệ tử vong lên tới 80%.
Xuất huyết tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân phổ biến ở đường tiêu hóa trên như loét dạ dày tá tràng, hội chứng Mallory-Weiss, viêm thực quản, bệnh túi thừa, viêm ruột, trĩ, u đường tiêu hóa...
Quá trình nội soi, bác sĩ xác định được nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa của người bệnh, đồng thời can thiệp cầm máu kịp thời.
Chảy máu từ tổn thương Dieulafoy thường liên quan đến các bệnh lý kèm theo như bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính, tăng huyết áp, loét dạ dày, đái tháo đường, sử dụng một số loại thuốc chống viêm không steroid và thuốc chống đông máu.
Bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến mất máu, do xuất huyết từng đợt hoặc ồ ạt. Bệnh nhân có biểu hiện huyết động không ổn định do nôn ra máu nhiều hoặc đi tiêu phân đen. Khi có triệu chứng như đại tiện phân đen, nôn ra máu, đại tiện ra máu, thiếu máu do thiếu sắt, ho ra máu hoặc huyết động không ổn định, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám, tránh bệnh chuyển nặng.
Lục Bảo
* Tên người bệnh đã thay đổi.
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |