Đánh giá về bộ sách giáo khoa lớp 1 cải cách, nhiều độc giả VnExpress chỉ ra sự khác biệt giữa hình thức và chất lượng giáo dục xưa và nay:
Tôi thuộc thế hệ 8x. Việc học của chúng tôi ngày xưa cũng không quá căng não như ngày nay. Hồi ấy, tôi học lớp chọn cấp một rồi lên trường chuyên cấp hai, ba, nhưng cảm giác cũng không quá nặng nề, vẫn có thời gian để đi chơi bóng đá, game, tụ tập bạn bè trong xóm. Lúc ấy, tôi sống ở đô thị nhỏ, không phải thành phố lớn nên phải chăng việc học nhẹ hơn? Hiện, tôi sống ở Sài Gòn và có con học lớp ba, trường tư. Việc học của cháu cũng hơi mệt do phải học song ngữ, nhưng về cơ bản cũng không vất vả như mấy bé lớp một trường công năm nay.
Việc cải cách giáo dục khiến thế hệ sau phải học nặng hơn là điều khó tránh. Các nước phát triển cũng đều như vậy. Vì cơ bản, kiến thức nhân loại ngày một tăng theo thời gian. Nhưng ở độ tuổi cấp một, chúng ta nên cho các con những khoảng thời gian "khởi động" trí óc chứ không phải đòi hỏi các con phải học quá nhanh, nhiều, nặng ngay từ năm học đầu đời như vậy.
Ở các cấp hai, ba và trường nghề, hay cao đẳng, đại học, chúng ta có thể bồi dưỡng liên tục phương pháp học và cách tư duy để mỗi người sau này tiếp tục tự đọc, tự học trong suốt mấy chục năm cuộc đời còn lại. Phương pháp và thái độ tự học là quan trọng nhất, chứ không phải học được thật nhiều chữ, điểm thật cao, giải được nhiều đề hay thậm chí thuộc nhiều lời giải. Và tất nhiên, một dân tộc mà mọi người đều có khả năng tự học, tự đọc, tự nâng cao tri thức, kỹ năng, sẽ có tương lai tươi sáng hơn một nhóm người chỉ có điểm số cao.
Tôi là người thuộc thế hệ 7x - thế hệ cải cách đầu tiên. Cũng như rất nhiều thế hệ sau đó, tôi rất ổn về mặt 'tiếng Việt nói riêng. Có thể nói, về cơ bản, chất lượng giáo dục thời đó rất đơn giản cả về phần sách vở và phương pháp dạy của các thầy cô, nhưng vẫn rất hiệu quả. Như vậy, chúng ta không cần thay đổi gì quá đặc biệt với cấp tiểu học. Cải cách luôn phải đảm bảo tính phổ cập dễ học, dễ dạy và đơn giản, ít công cụ phụ trợ, tiết kiệm chi phí nhất có thể, chứ không phải gây khó khăn, thiệt hại cho xã hội và khiến nhiều người phản ứng.
Sách ngày xưa đơn giản dễ hiểu, học xong nhớ rất lâu, điển hình là thế hệ 8x, 9x tới giờ vẫn còn đọng lại những hình ảnh, câu thơ, bài đọc trong trẻo, ấm áp của sách giáo khoa ngày xưa. Còn bây giờ, càng cải cách, chất lượng bài học càng tệ. Vẽ ra nhiều đầu sách để làm gì khi trẻ học trước rồi quên sau bởi lượng bài học quá nhiều so với tuổi các con?
>> Cải cách giáo dục - 'thừa chiều sâu, thiếu độ rộng'
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cho rằng giáo dục bậc tiểu học chỉ nên dừng ở mức "học để hiểu" chứ không nên "học phải hiểu":
Hồi xưa, đi học là để hiểu biết còn nay phải hiểu, phải biết mới học được. Thậm chí, cả giáo viên nhiều kinh nghiệm còn lúng túng trong việc truyền đạt, thử hỏi học sinh nên hiểu và nắm bắt thế nào? Nên đưa chương trình học vừa phải, không cần đánh đố nhiều, như năng khiếu, Tiếng Anh hay bơi lội gì đó...
Đúng là vòng luẩn quẩn, đòi hiểu biết mới học được. Trong khi sự học là để từng bước nâng cao hiểu biết. Tôi thiết nghĩ, hãy ngừng chạy đua thành tích và điểm số để học sinh cấp một nhẹ nhàng làm quen với bầu trời kiến thức. Việc học là việc cả đời, học tới già, chứ không phải hai tháng phải thạo cái này, vài tuần buộc phải giỏi thứ kia. Nên xác định hợp lý mục tiêu và dung lượng chương trình, các trường bớt áp lực và giảm bệnh thành tích lại.
Tại sao lớp 1 phải học Toán để phát triển năng lực? Năng lực là gì khi trẻ mới phát triển về hình ảnh, màu sắc, âm sắc...? Năng lực cần trải qua quá trình rèn luyện từ lớp 1 đến lớp 5. Sau quá trình này trẻ sẽ có sự thay đổi theo độ tuổi, giới tính của mình, cộng với sự hỗ trợ từ phụ huynh và các sách, truyện để khám phá những cái cần biết, từ đó mới phát triển tư duy, không phải năng lực. Năng lực hiểu biết, năng lực học tập, năng lực hành vi, phải chuyển qua giai đoạn cấp hai, nên giáo trình này cần xem lại về lứa tuổi. Chúng ta không cho trẻ học thêm, không cho trẻ học chữ trước vào lớp 1, vậy sao bắt trẻ phải phát triển năng lực khi vào lớp 1?
Trước những bất cập trong giáo dục cải cách hiện nay, độc giả Lê Văn Toan nêu giải pháp: "Theo tôi thì chúng ta nên xem xét lại tổng thể các vấn đề sau:
1. Chuẩn đầu ra của mỗi lớp, mỗi cấp học là gì?
- Chuẩn kiến thức văn hóa: Toán, Tiếng Việt, các môn khoa học tự nhiên và xã hội...
- Chuẩn về hành vi ứng xử: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sinh tồn...
- Chuẩn đầu ra về thể lực: Chiều cao trung bình, cân nặng trung bình...
- Các chuẩn khác...
Từ đó, chúng ta mới có được chương trình tổng thể và cụ thể cho từng giai đoạn phát triển của trẻ nhỏ. Chuẩn này là bắt buộc, không ai có thể tự thay đổi được.
2. Cần xem lại cách tổ chức biên soạn và thẩm định sách giáo khoa. Nhất định phải có một đội ngũ giáo viên giỏi thực hiện dạy thí điểm online để toàn dân tham gia học và cho ý kiến hoặc thí điểm ở trường điểm ít nhất một năm để chỉnh sửa, bổ sung.
3. Nên dừng ngay việc biên soạn sách giáo khoa các lớp kế tiếp để điều chỉnh lại phương pháp làm việc.
4. Về sách giáo khoa tiếng việt lớp 1: nên sử dụng từ phổ thông dễ hiểu và đặc biệt phải trong sáng. Tránh dùng từ lóng, thô, từ địa phương để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.