Nhân câu chuyện chất lượng giáo dục, tôi xin kể một trường hợp xảy ra với chính bản thân mình cách đây không lâu. Vào một này nọ, thầy giáo của con mời tôi lên trường để trao đổi một số chuyện liên quan đến kết quả học tập của cháu. Tôi được thông báo rằng, con mình "học dốt" môn của thầy. Thầy giáo cũng yêu cầu tôi phải đôn đốc, dạy dỗ cháu thêm ở nhà để cải thiện thành tích học tập.
Nghe những lời nhận xét đó, tôi chỉ hỏi ngược lại thầy giáo một câu: "Vậy rốt cuộc môn này là do thầy dạy cháu hay tôi dạy con?". Với tôi, khi học sinh học kém một môn học nào đó, trước hết phải đặt dấu hỏi xem giáo viên đã giảng dạy thế nào? Phụ huynh học sinh đâu có học về các phương pháp giáo dục sư phạm để biết cách dạy môn này thế nào, môn kia ra sao? Chưa kể kiến thức chuyên môn cũng không phải ai cũng nắm chính xác sau nhiều năm ra trường.
Vì thế, tôi cho rằng, phụ huynh chỉ có thể đóng vai trò nhắc nhở, đôn đốc con học bài và làm bài tập khi ở nhà. Còn nếu các con không biết làm bài thì đó là do thầy cô đã dạy không tốt, khiến học sinh không thể hiểu bài trên lớp; hoặc do phương pháp giảng dạy của giáo viên quá nhàm chán, không tạo được hứng thú học tập, khiến học sinh không tập trung để tiếp thu toàn bộ kiến thức.
Thực ra, trước khi đến trường, tôi cứ nghĩ rằng thầy giáo mời tôi đến để xin lỗi phụ huynh vì dạy con chưa tốt, cùng gia đình tìm cách khắc phục, cải thiện tình hình. Nhưng trái lại, suốt cả buổi hôm đó, giáo viên dường như chỉ chăm chăm đỗ lỗi cho tôi vì không thể dạy con mình. Điều đó với tôi rất khó chấp nhận.
>> 20 phút dạy online như đánh đố học sinh
Hôm đó, cũng có rất nhiều phụ huynh có con "học dốt" như tôi bị mời lên để nói chuyện với giáo viên, tuy nhiên, gần như chẳng ai dám có ý kiến gì lại với thầy. Tôi để ý thấy các bậc cha mẹ, ai cũng chỉ "vâng dạ" rối rít để lấy lòng giáo viên. Mọi người nhìn tôi với thái độ như là tôi là một kẻ khùng.
Thực tế chuyện học và dạy học bây giờ hầu như là thế, người ta cứ sản xuất ra sản phẩm bị lỗi là đổ ngay do nguyên liệu, bản chất của sản phẩm, chứ không phải do lỗi ở người làm ra sản phẩm đó. Nhiều thầy cô giáo ngày nay dường như không dám nhận trách nhiệm về phía mình khi làm cho học sinh "dốt", mầ luôn đổ lỗi cho gia đình thiếu quan tâm, chỉ bảo. Cứ với tư duy làm giáo dục như vậy, thì đừng mong học sinh sẽ trung thực hoặc khá hơn được.
Sau ngày hôm đó, sau những phát biểu thẳng thắn như vậy của tôi, chính các thầy cô trong lớp của con tôi cũng đã dần thay đổi cách tiếp cận với học trò. Họ thân thiện và gần gũi hơn với các học sinh trong lớp. Cũng nhờ đó, thành tích học tập của các con (trong đó có con tôi) cũng được cải thiện đáng kể. Điểm trung bình tổng kết học kỳ I vừa rồi của con tôi đã đạt 9,1 - xếp hạng ba trong tổng số 48 học sinh của lớp. Điều đó cho thấy quan điểm của tôi đã không sai phải không?
Hy vọng tất cả các thầy cô giáo trên cả nước sẽ có thể lắng nghe, hiểu và quan tâm hơn tới học trò của mình; sẵn sàng đứng lên nhận trách nhiệm trước tiên khi có học sinh yếu kém và tìm cách thay đổi phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng em. Khi đó, tôi tin những chuyện không hay về nhà giáo cũng sẽ dần biến mất.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.