Có nhiều người cho rằng, cần phải lựa chọn sách hay, sách bổ ích để đọc thay vì đọc nhiều, đọc tạp. Nhưng điều này rất mâu thuẫn, bởi bạn nếu không đọc thì làm sao biết sách đó có hay, có bổ ích không?
Nước ta không có nhiều diễn đàn Văn học nhiều thành viên để bình sách như phương Tây. Đó là nơi những quyển sách hay sẽ được độc giả tán thưởng, từ đó tiếng lành đồn xa. Không có diễn đàn Văn học nên khi vào thư viện hoặc nhà sách, bạn làm sao biết được quyển sách nào phù hợp với ý thích của mình trong cả "rừng sách" ấy? Bạn có muốn phải bỏ ra rất nhiều thời gian để xem lướt qua những quyển sách đang được bày bán trước khi chọn đọc?
Sách ngoại văn (dịch từ tiếng nước ngoài) đa phần là sách hay. Bởi dịch giả thường thông qua các diễn đàn Văn học của nước ngoài để chọn ra những quyển sách được đánh giá cao nhất tại thời điểm nào đó, dịch ra tiếng Việt cho người đọc trong nước. Nếu sách không có giá trị nhất định thì đã không vượt qua được khâu kiểm duyệt. Ở phương Tây, nhà văn rất được tôn trọng. Ai cũng biết đọc, biết viết cả, nhưng mấy ai viết được sách?
Sách cung cấp thông tin để bạn tạo ra giá trị thặng dư chỉ có thể là sách dạy học, tài liệu tham khảo. Giá trị cao nhất của mọi loại sách là tính nhân văn, tính xã hội, quan hệ giữa người với người. Người đọc nhiều sách tham khảo nhưng không biết gì về quan hệ giữa người với người trong xã hội thì cũng chẳng làm ra được thứ giá trị thặng dư nào. Bạn có thể làm công ăn lương cao nhưng làm chủ, làm quản lý sẽ không làm được.
>> Hành trình trở thành 'mọt sách' của tôi
IQ (chỉ số thông minh) là cái có thể được người khác dạy cho, còn EQ (chỉ số cảm xúc) sẽ chẳng có ai dạy được bạn. Do đó, bạn phải đọc sách để học hỏi EQ của người khác. Người ta giàu, kiếm được nhiều tiền cũng là nhờ EQ của họ cao. Còn IQ cao chỉ có thể làm công ăn lương cao mà thôi. EQ là để tìm kiếm nhu cầu của khách hàng, còn IQ là tìm biện pháp kỹ thuật để giải quyết nhu cầu ấy. Tìm nhu cầu khách hàng là công việc thường xuyên, biện pháp kỹ thuật là công việc nhất thời. Vậy, người có EQ giàu hay người có IQ giàu?
Ngay cả truyện Kim Dung cũng có tính chất giải trí. Những truyện như thế này người ta tranh luận cái ý của tác giả thông qua nội dung của tiểu thuyết, nói cho cùng vẫn là quan hệ giữa người với người. Sách lịch sử cho ta biết đằng sau những trận thắng oanh liệt ấy là những khó khăn phức tạp như thế nào, người lãnh đạo phải tài giỏi sáng suốt ra sao mới dẫn đến thắng lợi ấy? Nhà Trần chỉ có năm vạn quân, đem đi đánh nhau trực diện với mấy chục vạn quân Nguyên Mông chẳng phải là đi chịu chết sao? Thế nhưng tổ tiên ta vẫn đánh thắng được bọn xâm lược là nhờ đủ loại mưu kế chứ không phải là hùng hục đâm đầu vào tường. Không đọc sách lịch sử làm sao biết những chuyện ấy? Những mưu kế ấy là thuộc về EQ (thời đó không ai biết về Toán học cả).
Không đọc sách, truyện, không đánh giá được tính nhân văn của tác phẩm thì trong các vấn đề xã hội, nếu bạn có chủ kiến, cũng chỉ phát biểu sao cho có lợi cho bản thân, mặc kệ khó khăn của người khác. Xã hội Việt Nam ai cũng như vậy thì người xây dựng luật pháp sẽ chậm ban hành luật mới. Luật pháp phải công bằng và cân bằng lợi ích của các tầng lớp khác nhau để giảm thiểu mọi xung đột xã hội. Ai cũng chỉ nói có lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người khác thì xã hội bao giờ mới văn minh?
Tóm lại, càng đọc nhiều sách càng tốt. Quan trọng là bạn rút ra được những EQ từ đó.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.