Nếu bạn muốn trải nghiệm thực tế thay cho đọc sách, bạn phải mất cả đời người để học hỏi được kinh nghiệm mà người ta đã viết sẵn trong sách dưới các tình huống khác nhau. Đọc sách là phương thức ngắn nhất để học hỏi những kinh nghiệm đó. Những kinh nghiệm đó có thể không có tính thực dụng ngay nhưng khi tình huống tương tự xảy ra với bạn, bạn sẽ biết ngay mình cần phải làm gì mà không phải mất công suy nghĩ mệt óc mà chưa chắc đã khả thi.
Đọc sách chỉ để lấy nội dung là cách đọc của trẻ con với những truyện thuần túy giải trí, ít có giá trị nhân văn. Một quyển sách hay có giá trị nhân văn cao, người ta sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần. Đọc lần thứ nhất để lấy nội dung xem diễn tiến của nó xảy ra như thế nào? Từ lần thứ trở đi, bạn phải tự đặt mình vào tình huống của nhân vật rồi tự nghĩ xem mình sẽ giải quyết sự việc thế nào, so với cách của tác giả xem có hiệu quả hơn không?
Bạn càng tiếp xúc nhiều người ở ngoài đời, kinh nghiệm sống của bạn càng phong phú. Nhưng đọc lại quyển sách cũ, bạn sẽ càng khám phá ra những cái mới lạ hơn mà những lần đọc trước không nhận ra được. Ngồi trong "tháp ngà" mà đọc sách là chỉ đọc để giải trí mà thôi, chẳng học được cái gì. Nhìn ra nước ngoài, môn Văn là môn học chính, xuyên suốt từ cấp hai chứ không phải môn Toán. Tiếp xúc xã hội, người ta có thể nói chuyện đủ thứ chủ đề với nhau, chứ có ai đem công thức Toán ra để nói chuyện với nhau đâu? Để người này hiểu được người kia, không giỏi môn Văn, bạn phải diễn đạt lòng vòng một hồi lâu người ta mới hiểu ý của bạn. Không giỏi môn Văn, chọn từ ngữ không đúng, lắm khi còn gây hiểu nhầm với những sự việc đáng tiếc.
Từ Đông sang Tây, trong các mối quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp được đặt lên hàng đầu rồi mới đến những kỹ năng khác. Bất kể bạn chọn nghề nghiệp gì, bất kể bạn có bằng cấp gì, học giỏi cỡ nào, kỹ năng giao tiếp kém thì bạn chẳng bao giờ thành đạt.
>> 'Đọc càng nhiều sách càng tốt'
Ngay cả chơi cờ, trừ khi bạn là kỳ thủ chuyên nghiệp, còn người ta chơi cờ không phải để cay cú thắng thua, mà để dùng làm công cụ trong giao tiếp. Vừa chơi cờ, người ta vừa bàn công chuyện làm ăn với nhau. Tương tự với các môn thể thao ít vận động khác. Muốn chơi cờ giao tiếp ở trình độ "coi được", bạn phải đọc sách phân tích các thế cờ cơ bản trong khai cuộc, trung cuộc và tàn cuộc, chứ đâu phải đánh nhiều thì lên tay. Bỏ thời gian ra nghiền ngẫm những cuốn sách ấy để đánh cờ "coi được" nhiều lắm chỉ mất ba tháng.
Làm việc gì cũng phải bỏ thời gian ra để nghiên cứu tìm hiểu, bằng không, bạn sẽ mất gấp bội thời gian để trải nghiệm thất bại, khi đó may ra mới rút ra được bài học nào đó. Tóm lại, người đọc nhiều sách chưa chắc là người giỏi nhưng chắc chắn không phải là người có văn hóa kém.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Lâm