(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Là một bà mẹ Việt Nam nuôi con ở Mỹ, tôi đã đứng giữa lằn ranh các mâu thuẫn về vấn đề này trong quá trình nuôi con. Nhưng có lẽ tôi may mắn khi con đã "hướng dẫn" tôi. Cháu rất thích đọc ngay từ khi mới biết ngồi. Cháu đọc say mê các sách tranh (picture books). Khi biết bé thích đọc, hai mẹ con tôi thường đọc sách cùng nhau bằng cách chỉ vào hình vẽ và gọi tên sự vật, sự việc. Ví dụ như: chó, mèo, hoa, hình vuông, tròn, màu vàng, đỏ, trắng. Trong vô vàn những quyển sách hình bắt mắt đó, có rất nhiều sách có chữ đi kèm, cũng như hàng loạt sách về bảng chữ cái.
Các sách dạy chữ này cũng tiếp cận với một nguyên tắc như các sách hình đó là tư duy hình ảnh cho trẻ. Nếu bé nhìn vào một vật thể hình tròn và có thể nói đó là banh, bóng, mặt trăng, thì không lý gì ta phải cấm trẻ không được biết thêm rằng đó có thể là chữ "O" nữa. Cùng với sách là các bài đồng dao, các bài hát thiếu nhi, các posters hình ảnh dạy trẻ bảng chữ cái, số, hình... Và chỉ nhẹ nhàng như thế, con tôi đã biết đọc cả tiếng Anh và tiếng Việt khi chưa tròn hai tuổi, có vốn từ vựng phong phú, và thích đọc sách.
Chúng ta hãy thử nhìn vào mô hình giáo dục của Mỹ, xem ở họ, giáo dục tiểu học và học chữ bắt đầu như thế nào để có cơ sở đánh giá:
Tại Mỹ, trẻ chính thức bước vào chương trình tiểu học (Elementary Level) lúc 5 tuổi. Đó là lớp Kindergarten (tương đương với mẫu giáo lớp Lá của ta). Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm 13 năm từ Kindergarten đến hết lớp 12. Tuy Kindergarten, trẻ mới chính thức học chữ nhưng cũng như ở ta, nếu gia đình có bố mẹ đều đi làm thì việc trẻ đi nhà trẻ sớm từ 6 tháng đến 3-4 tuổi cũng rất phổ biến.
Ngoài phần lớn thời gian của những lớp nhà trẻ, mẫu giáo và cả ở Kindergarten là để chơi, trẻ còn được đọc sách rất nhiều. Và đọc ở đây là bằng hình ảnh và tương tác. Vì ở lứa tuổi này, đầu óc trẻ như những miếng bọt biển; và tư duy hình ảnh trực quan sinh động là cách trẻ dễ tiếp cận nhất. Các phòng học luôn được trang trí tươi vui với nhiều hình ảnh khác nhau nhưng không thể thiếu bảng chữ cái, chữ số, hình dạng...
Khi trẻ kết thúc năm học Kindergarten, các bé sẽ có một buổi lễ "tốt nghiệp" rất trang trọng để đánh dấu một cột mốc lớn trong đời là bé đã sẵn sàng hành trang bước vào lớp một. Tùy từng tiểu bang có khác nhau, nhưng chung quy là để có thể "tốt nghiệp mẫu giáo", trẻ phải đạt được những tiêu chuẩn về tâm sinh lý cũng như có một nền tảng đủ để sẵn sàng vào lớp một. Trong đó, có tiêu chuẩn về nhận biết bảng chữ cái và các từ thông dụng, cùng với biết đếm và viết số đến 20 và nhận diện các hình cơ bản.
Nhìn vào "tiêu chuẩn tốt nghiệp" này chúng ta có thể thấy rõ rằng, khi trẻ đặt chân vào lớp một, trẻ không thể không biết gì mà có thể hòa nhập được. Bên cạnh những kỹ năng giao tiếp hòa nhập là tối cần thiết, một nền tảng học thuật căn bản về biết đọc, biết đếm đã trở thành không thể thiếu để trẻ bắt đầu cuộc đời học sinh.
Việc phản ứng tiêu cực với việc trẻ nhận biết chữ trước khi bước vào lớp một hiện nay đang có xu hướng nổi lên với phong trào "thuận tự nhiên". Trào lưu này cũng có một nền lý lẽ cơ bản như trào lưu chống vaccine. Vì họ cho rằng cứ để tự nhiên rồi trẻ từ từ sẽ biết. Hay việc dạy sớm có hại hơn có lợi vì trẻ cần được chơi và tự khám phá. Ngoài ra, nếu ta định nghĩa dạy chữ trong nghĩa hẹp là "gò mình luyện chữ" hay "vật vã đánh vần" thì đó đúng là có hại.
>> 'Trẻ 4 tuổi chưa biết chữ bị cho là chậm phát triển'
Vậy thì vấn đề của ta không phải là có nên dạy hay không mà nên dạy thế nào? Cách tiếp cận nào là phù hợp nhất cho trẻ?
Việc buộc trẻ phải ngồi đánh vần hay miệt mài gò chữ khi bé vẫn còn nói ngọng và cả vận động thô và tinh của bàn tay, ngón tay đều chưa hoàn thiện cộng với khả năng tập trung ngắn, là phản tác dụng. Cách mà ta dạy trẻ là để giúp trẻ nhận biết mặt chữ cái và sự kết hợp biến hóa kỳ diệu của các chữ cái khác nhau để tạo thành từ ngữ; thêm vào đó là sự tương quan giữa các ký hiệu đó với âm thanh phát ra khi nói và hình ảnh trên trang giấy. Khả năng tiếp thu và sự hứng thú ở mỗi trẻ là khác nhau nên tùy từng trẻ mà ta linh động bắt đầu giới thiệu các ký tự hình ảnh này vào thời điểm hợp lý và nhanh hay chậm tùy bé. Có những bé ngay khi bắt đầu tập nói và nhận diện đồ vật là đó có thể nhận diện ký tự nhưng đa phần cỡ 3-4 tuổi trở đi là bé đã có thể giải mã được ký tự hình ảnh đại diện cho chữ cái.
Từ nhận diện chữ cái đến ghép vần là cả một quãng đường mà trẻ sẽ cần thời gian để thẩm thấu. Đó là khi lớp một bắt đầu và trẻ nói thạo hơn. Vì thế nếu đợi đến lớp một trẻ mới bắt đầu được học về chữ cái rồi cả quá trình ghép vần thì rất khó và vội cho trẻ. Như đã nói ở trên, não trẻ dưới bốn tuổi có thể hấp thu hình ảnh là dễ dàng nhất, vì vậy các phương pháp trực quan sinh động, kết hợp học và chơi là tốt nhất. Ta có thể chỉ vào chữ và số để trẻ nhận biết như bạn từng làm về chim, hoa, bàn, ghế... trước đó. Thay vì viết chữ, bạn hãy cùng bé "vẽ" chữ và "vẽ" số. Hãy cho bé sờ vào các chữ mô hình như bé đang chơi với bóng hay xe. Thật thân thương làm sao khi hình ảnh của "O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thì thêm râu". Lẽ nào, chúng ta không vẽ cùng bé thế này được?
Ngoài ra, ta có thể đọc thơ, các bài đồng dao, vì trong đó các từ vần điệu với nhau sẽ giúp củng cố mối quan hệ giữa âm tiết và chữ viết. Mỗi ngày, nhất là trước khi đi ngủ, ta có thể tập cho bé khoảng thời gian đọc sách, bạn đọc bé nghe thật chậm và tay chỉ vào từng từ khi đọc. Lúc đầu bé sẽ chưa biết nhưng dần dà bạn vừa đọc vừa đánh vần thì bé sẽ nhận ra được sự liên hệ giữa các ký tự đó và âm tiết bạn nói ra. Một khi trẻ đến mức độ đó trẻ sẽ hứng thú hơn vì trẻ biết rằng những ký tự đó chuyên chở ý nghĩa và từ đó chúng muốn biết nhiều hơn và động lực muốn đọc được đẩy mạnh hơn.
Nhưng vấn đề không phải chỉ dừng lại ở đây. Trẻ vẫn cần được dạy đọc và viết đúng cho đến ít nhất là hết cấp một. Những năm đầu, ta không thể bắt trẻ viết đúng chính tả, hay viết đẹp được. Và việc luyện chữ đẹp không nên được bắt đầu cho trẻ nhỏ dưới 10 tuổi như hiện nay ta đang làm. Cái mà chúng ta cần ở đây là thứ nhất sự cởi trói tư tưởng cực đoan của việc "dạy chữ sớm là sai lầm" và thứ hai là việc dạy chữ cho trẻ nên được tiếp cận như việc dạy hình ảnh và âm thanh chứ không phải là điều quá cao xa trừu tượng.
>> Tôi hoang mang vì học sinh mầm non phải đi học thêm
Năm 1955, chuyên gia về đọc Rudolf Flesch xuất bản quyển "Why Johnny Can't Read", đưa ra nhiều lý do đề nghị ngành giáo dục Mỹ cần cải tổ việc dạy đọc cho trẻ. Ông đưa ra cách dạy trẻ đọc bằng cách phát âm ra âm tiết của từ (phonics) thay vì phải học thuộc lòng nhớ mặt từ đó. Và đây là cách mà hiện nay trẻ được dạy đọc ở Mỹ. Trẻ được học các từ có vần cùng nhau như cat - hat - sat hay car - far - jar hay các phụ âm giống nhau như mom - map, pop - pup...
Năm 1960, dựa vào nguyên tắc âm tiết trên, Dr Seuss đã viết những sách thiếu nhi vô cùng nổi tiếng của Mỹ. Những quyển sách dí dỏm dễ đọc dễ nhớ của ông có thể nói là sách gối đầu giường của tất cả các gia đình có con trẻ từ sơ sinh đến lớn. Để khuyến khích trẻ đọc sách, nhà xuất bản đưa cho ông một danh sách 350 từ cơ bản phổ biến và yêu cầu chỉ được dùng những từ trong danh sách đó nhằm phục vụ đối tượng càng nhỏ tuổi càng tốt. Dr Seuss đã viết quyển sách bán chạy nhất của đời mình "Green Eggs and Ham" khi chỉ sử dụng vỏn vẹn 50 từ trong danh sách đó. Tiếp theo là "The Cat in the Hat" ông chỉ sử dụng 236 từ trong danh sách. Bạn đọc có thể dễ dàng tìm ra những bản sách này và tự tìm hiểu tại sao sách của ông lại có thể dạy trẻ biết đọc một cách dễ dàng, dí dỏm và duyên dáng như vậy.
Tiến sĩ J. Richard Gentry trong quyển "Raising Confident Readers - How to Teach Your Child to Read and Write From Baby to Age 7" đã đưa ra rất nhiều lập luận về những lợi ích lâu dài của cá nhân, gia đình và xã hội của việc trẻ biết đọc và mặt bằng trình độ và dân trí nói chung. Rất nhiều nghiên cứu dài hơi đã cho thấy khung thời gian khi bé bập bẹ tập nói là lúc tốt nhất để rèn khả năng ngôn ngữ trong đó khả năng "đọc" bằng hình ảnh và âm thanh rất hiệu quả. Còn những lợi ích của trẻ biết đọc, ham đọc và được khuyến khích đọc có lẽ không cần phải bàn cãi.
Ở các nước tiên tiến khác như Anh, Australia, Đức, Canada trẻ cũng chính thức bước vào giai đoạn giáo dục phổ thông từ lớp Kindergarten. Ở đó, ngoài việc chơi thì trẻ được chuẩn bị sẵn tâm lý và nền tảng đọc viết cơ bản để bước vào lớp một. Tôi đã theo dõi và xót xa khi đọc các bài viết của các phụ huynh Việt Nam về sự hụt hẫng của con trẻ khi ngơ ngác bước vào lớp một mà không được trang bị về mặt tâm lý cũng như những bước đệm kiến thức sơ đẳng.
Nhìn lại nền giáo dục của chúng ta, rõ ràng khi chương trình lớp một đã bắt đầu nặng nề với giả định "không nói ra nhưng ai cũng biết" là trẻ cần biết chữ trước khi vào lớp một, thì nhu cầu chuẩn bị cho con là điều dễ hiểu. Vì vậy, khi chưa thể có điều kiện để phổ thông hóa "lớp không" để trẻ đủ điều kiện vào lớp một thì thiết nghĩ chúng ta không thể cấm dạy trẻ đọc viết trước khi vào tiểu học.
Vấn đề là cách tiếp cận và phương pháp dạy như thế nào để việc biết chữ sớm là nền tảng cho trẻ, mở ra chân trời tri thức, chứ không phải là sự kìm hãm tư duy hay thui chột sáng tạo của trẻ.
>> Bạn có đồng tình với quan điểm dạy chữ sớm cho trẻ? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây.