Bàn về câu chuyện "văn hóa đọc", độc giả Phan Thanh Long chia sẻ quan điểm cho rằng đọc sách không nên chạy theo số lượng mà quan trọng là cách đọc như thế nào:
"Sách cũng chỉ là quan điểm của một người hoặc một nhóm người, dù người đó là danh nhân vĩ đại thì vẫn mắc sai lầm chủ quan, giới hạn của thời cuộc, trí tuệ thời đại. Chuyện này rất phổ biến, có ở tất cả các triết gia vĩ đại trên thế giới. Những cuốn sách của họ có nhiều giá trị, nhưng không phải cái gì cũng đúng.
Vì thế đọc sách không phải là đọc chữ, đọc ý, mà cốt lõi là suy nghĩ. Khi đọc hãy quan sát xem quan điểm của tác giả có gì hay, có gì dở? Đọc theo kiểu đó là để rèn luyện kỹ năng tư duy, đồng thời cũng gia tăng kiến thức cho bản thân. Cái khó khi đọc sách là phải giữ cho mình góc nhìn khách quan, tôn trọng sự thật. Chứ đọc theo kiểu fan và anti-fan thì nhiều khi có hại nhiều hơn là lợi.
Người ta sinh ra vốn không biết gì, muốn biết phải hỏi, phải đọc. Đọc trước tiên để lấy thông tin, còn kiến thức có được là từ suy nghĩ trên những gì đã đọc. Có người phê phán rằng: 'nhiều người xem tủ sách của họ như... tủ rượu', tức là để cho đẹp, cho sang, cho lên mặt với thiên hạ chứ thực tế chẳng mấy khi đụng tới.
Tỷ lệ đọc sách của người Việt còn rất thấp, nhưng trong đó đã có nhiều người đọc sách theo kiểu ăn tạp, tức là cái gì cũng ăn (cũng đọc). Đến nỗi trở thành béo phì, bội thực kiến thức (hay thông tin), nhưng không tiêu hóa được, không phân biệt được đúng - sai, không phát hiện được mâu thuẫn, không có chính kiến rõ ràng và độ nặng của kiến thức ngăn cản hành động, khiến họ cái gì cũng phân vân, lo sợ, hoặc theo kiểu... nói giỏi, mà không làm được".
Đồng quan điểm, bạn đọc Kỳ Anh khẳng định không nên quá đắm chìm vào thế giới sách vở mà quên mất cách vận dụng kiến thức vào cuộc sống:
"Đọc sách có thể là thú vui tao nhã, nhưng đọc sách để trở thành 'mọt sách' và đắm chìm trong thế giới sách vở thì cần phải xem lại. Cái gì cũng có hai mặt của nó và tùy tâm mà dụng bày chữ nghĩa, chứ chẳng phải vì đống sách vở kia có ích với tôi nên nó sẽ có ích với người khác.
Sách vẫn được hiểu là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, là cánh đồng mênh mông tri thức loài người. Qua sách, con người có thể giao tiếp với những người sống ở quá khứ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, học hỏi cái khôn của họ. Nhưng cái nguồn nuôi dưỡng tâm hồn đó có thể dẫn dắt con người theo hai hướng khác nhau: một là khiến họ chìm đắm trong sân, si, trong ham muốn và ảo tưởng cá nhân, 'trên đầu lại mọc thêm đầu'; hai là giúp con người ta tỉnh thức, chuyển hóa tham, sân, si thành giác ngộ, giải thoát.
Lục Tổ Huệ Năng trên đường về Nam lánh nạn, gặp ni cô Tận Tạng ở Tào Khê. Lục Tổ từ nhỏ không học hành nên không biết chữ. Ni cô cầm Kinh Đại Niết bàn hỏi nghĩa, Lục Tổ nói không biết chữ. Ni cô nói: 'Chữ còn chẳng biết, làm sao hiểu nghĩa được?'. Lục Tổ đáp: 'Diệu lý của Chư Phật chẳng dính gì với văn tự'. Lục Tổ sau đó giảng kinh không khác gì Phật thuyết cả.
Đọc ngàn vạn cuốn sách, thực chất là để làm gì? Mục đích cuối cùng là để đọc cuốn sách không có chữ, chính là cuộc đời này. Thấy cuộc đời như trang sách mở ra mỗi ngày rồi thì ôm nhiều sách vở làm gì nữa? Lấy tay chỉ trăng, thấy mặt trăng rồi thì quên ngón tay đi".
Nhấn mạnh giá trị của sách chỉ là công cụ để con người áp dụng vào thực tế, độc giả Phuc Tran đồng tình với quan điểm cho rằng cách đọc quan trọng hơn số lượng:
"Tôi cũng là người đọc sách không ít. Nhưng nói thật, tôi không quá ưu ái khen ngợi những người chỉ biết đọc. Sách hay bất kỳ nguồn cung cấp tri thức thông tin nào cũng vẫn là công cụ. Và cái cốt lõi không phải là một người đã đọc bao nhiêu sách mà là người đó đã làm được những gì giá trị cho đời sống bản thân và xã hội. Cũng như vậy, một người chơi game nhiều, đọc ít sách không ảnh hưởng đến những phần mềm mà họ tạo ra có giá trị về mặt giải trí hay hỗ trợ đời sống con người. Nên công cụ mỗi người sử dụng là gì không quan trọng, quan trọng chính là cách sử dụng công cụ để tạo ra giá trị thặng dư".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Việt Thành tổng hợp