Trả lời:
Chườm nóng và chườm lạnh là hai phương pháp sử dụng nhiệt độ để giảm đau nhức thường gặp nhưng được áp dụng trong những trường hợp khác nhau. Chườm nóng giúp giảm đau bằng cách sử dụng nhiệt độ cao để làm giãn mạch máu, chống co thắt cơ bắp và tăng tưới máu đến vị trí được chườm. Trong khi đó, nhiệt độ thấp lúc chườm lạnh làm cho mạch máu co lại, giảm chuyển hóa và lưu lượng máu đến vị trí được chườm nên có tác dụng giảm sưng, đau và viêm.
Người bị đau mạn tính cột sống cổ, cột sống lưng, đau khớp do thoái hóa... nên chườm nóng. Nhiệt độ cao giúp tăng tưới máu, tăng chuyển hóa đến các vùng cơ, khớp bị đau, giúp thư giãn cơ bắp và giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, không chườm nóng nếu các vị trí bị đau có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ. Vì lúc này, các cơ, khớp đó đang viêm, tiếp xúc với nhiệt độ cao làm cho tình trạng nghiêm trọng hơn.
Chườm lạnh được áp dụng cho các chấn thương cấp tính (không có vết thương hở) như bong gân, sưng phù, rách cơ... hoặc trong đợt cấp của các bệnh lý khớp viêm như gout, viêm khớp dạng thấp... Nhiệt độ thấp làm co mạch máu, giảm lưu lượng máu và giảm viêm tại các vị trí được chườm, từ đó giảm đau nhanh chóng. Chườm lạnh thường chỉ hiệu quả với những chấn thương mới xảy ra trong vòng 48 giờ.
Trường hợp bạn có thể chườm nóng nếu tình trạng đau nhức xương khớp mạn tính không có dấu hiệu viêm. Để chườm nóng an toàn, hãy sử dụng đai quấn nóng, túi chườm ấm hoặc gạc ấm. Bạn chỉ nên chườm nóng trong 10-15 phút mỗi lần, chườm lại sau khi da trở lại nhiệt độ bình thường. Tuy nhiên, bạn cần đến bác sĩ khám nếu tình trạng không cải thiện hoặc đau nhiều hơn, thường xuyên tái phát... Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý khác, cần được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
BS.CKI Nguyễn Văn Tú
Khoa Nội cơ xương khớp
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |