Ngón tay cái tham gia vào hầu hết hoạt động của bàn tay. Người bị đau ngón tay thường khó cử động, cầm nắm... ThS.BS Nguyễn Văn Tú, khoa Nội Cơ xương khớp, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết đau ngón tay cái là tình trạng rất thường gặp, có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, từ chấn thương đến những bệnh lý xương khớp.
Ngón tay cái cò súng: Ngón tay có thể duỗi thẳng hoặc cong lại được nhờ vào gân gấp và gân duỗi. Ngón tay cái đau kèm sưng hoặc viêm xung quanh gân khiến gân khó di chuyển trơn tru và mắc kẹt, từ đó dẫn đến tay sưng, cứng và đau.
Viêm khớp ngón tay cái: Ở vị trí tiếp xúc giữa ngón tay với bàn tay, có một khớp gọi là khớp yên ngựa. Khớp này cho phép ngón tay cái cử động linh hoạt hơn các ngón khác nhưng cũng vì thế mà dễ tổn thương hơn. Sụn của khớp này bị mài mòn, gây viêm và đau lúc cử động hoặc cầm nắm. Viêm khớp ngón tay cái cũng có thể xảy ra nếu ngón tay này từng bị chấn thương hoặc gãy.
Viêm gân DeQuervain: Đây là tình trạng viêm gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón cái gây đau khi xoay cổ tay hoặc cầm nắm. Bệnh thường xảy ra ở người làm việc nội trợ, phụ nữ có thai và bế em bé nhiều, người chơi các môn thể thao bằng vợt.
Hội chứng ống cổ tay: Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh ngoại biên bị chèn ép trong ống cổ tay, làm người bệnh bị tê và ngứa ran ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và/hoặc ngón đeo nhẫn. Ban đầu, các triệu chứng xuất hiện rồi tự biến mất nhưng theo thời gian, bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn, các cơ ngón tay cái có thể yếu và teo.
Chấn thương: Bong gân, trật khớp, gãy xương... cũng có thể là nguyên nhân gây đau, yếu và giảm khả năng vận động của ngón cái.
Theo bác sĩ Tú, các bệnh lý gây đau ngón tay cái thường có biểu hiện tương tự nhau nên người bệnh nên đi khám và thực hiện các xét nghiệm như chụp X-quang, MRI, CT; hoặc chọc hút dịch khớp, xét nghiệm máu... Trường hợp vừa và nhẹ, bên cạnh chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể kết hợp với các phương pháp chăm sóc tại nhà để giảm đau như nghỉ ngơi, chườm lạnh, đeo nẹp.
Nghỉ ngơi ngay khi có thể, dừng hoặc giảm các hoạt động gây đau như đánh máy, sử dụng điện thoại, chơi nhạc cụ, bế em bé... Không cố gắng nâng vật nặng hoặc cầm nắm thứ gì quá chặt. Tháo đồ trang sức nếu ngón cái có dấu hiệu sưng lên.
Chườm lạnh 15-20 phút mỗi lần, có thể thực hiện nhiều lần trong ngày. Phương pháp này giúp co mạch máu, giảm tuần hoàn tại chỗ, giảm sưng đau nhanh chóng. Không chườm nóng hoặc để tay tiếp xúc với nước nóng trong 2-3 ngày đầu sau khi bị chấn thương.
Đeo nẹp để hỗ trợ ngón tay cái hoạt động và giảm đau, nhất là vào ban đêm.
Đau ngón cái thường xảy ra ở người hoạt động ngón tay này quá mức. Để phòng bệnh, mọi người nên để tay có thời gian nghỉ ngơi, xoa bóp và thư giãn tay thường xuyên. Nếu nguyên nhân gây đau do bệnh lý, cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh gây biến chứng, làm giảm vận động của ngón tay này.
Phi Hồng