BS.CKI Huỳnh Hoàng Anh, khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các tư thế như gập cổ tay, dùng ngón út làm giá đỡ, lướt bằng ngón cái... khi sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) có thể gây ra hàng loạt vấn đề về xương khớp ở tay như dưới đây.
Ngón cái
Các gân giúp ngón tay uốn cong hoặc duỗi thẳng. Khi thực hiện các thao tác như lướt điện thoại, nhắn tin..., ngón tay cái không ngừng co lại và duỗi ra. Nếu sử dụng điện thoại thường xuyên, những chuyển động này lặp lại làm mỏi và tổn thương gân. Lúc này, người bệnh cảm thấy đau nhức khi gập hoặc duỗi ngón tay, cứng khớp khi vận động. Đây là triệu chứng đặc trưng của tình trạng ngón tay cò súng, xảy ra khi bao gân ở gân gấp ngón tay bị viêm.
Ngón út
Dùng ngón út làm bệ đỡ khi sử dụng điện thoại là thói quen phổ biến. Tuy nhiên, tư thế này làm căng dây chằng nối ngón tay với bàn tay, gây tê ở đầu ngón tay, đau hoặc cứng ở gốc ngón tay, khớp ngón tay phát ra âm thanh khi cử động.
Cổ tay, khuỷu tay
Hội chứng ống cổ tay xảy ra phổ biến hơn ở nhóm người thường xuyên sử dụng máy tính, nhưng người dùng điện thoại tần suất cao cũng có thể gặp phải. Tư thế cong gập cổ tay khi cầm điện thoại trong thời gian dài gây áp lực lên dây thần kinh giữa ở cổ tay. Lúc này, người bệnh bị tê, ngứa ran, đau ở ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Tình trạng này kéo dài có thể làm giảm sức cầm nắm và khả năng vận động cổ tay. Một số nghiên cứu cho thấy người có thói quen dùng điện thoại thông minh hơn 5 giờ mỗi ngày thường bị đau cổ tay nhiều hơn.
Cơ chế này cũng xảy ra tương tự với khuỷu tay. Người sử dụng điện thoại thường có xu hướng gập khuỷu tay một góc hơn 90 độ. Hành động này kéo dài làm tăng áp lực và chèn ép dây thần kinh trụ, dẫn đến tổn thương.
Bác sĩ Hoàng Anh cho biết đôi khi các tổn thương xương khớp do sử dụng điện thoại trong thời gian dài có thể phải điều trị bằng phẫu thuật. Khi cảm thấy đau hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường khác, người bệnh cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động ngón tay, cổ tay. Nếu cần thiết người bệnh có thể uống thuốc không kê toa như Ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau. Trường hợp cơn đau không giảm, kéo dài 7-10 ngày và các biện pháp điều trị tại nhà không hiệu quả, người bệnh nên đi khám.
Để phòng ngừa đau nhức, tổn thương xương khớp, nên hạn chế dùng điện thoại liên tục trong thời gian dài, cầm và thực hiện các thao tác bằng cả hai tay... Sử dụng các nút bấm nhỏ hơn buộc cơ bắp phải hoạt động nhiều và nhanh mỏi cơ hơn. Khi cần soạn tin nhắn, nên quay ngang điện thoại, tránh sử dụng đồng hồ thông minh có kết nối với điện thoại để nhắn tin.
Phi Hồng