TS.BS Đỗ Thị Hạnh, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh hen suyễn có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh thường khó nhận biết, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, trào ngược dạ dày thực quản... Khi gặp các yếu tố nguy cơ, trẻ dễ khởi phát cơn hen cấp. Bệnh diễn biến nhanh có thể dẫn đến suy hô hấp nặng, tử vong.
Một số biểu hiện hen suyễn ở trẻ mà bố mẹ có thể dễ nhận thấy như ho, khò khè tái diễn nhiều đợt, thở nhanh, tức ngực. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện về đêm hoặc gần sáng, dễ khởi phát khi thay đổi thời tiết, sau các hoạt động gắng sức, tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng (mạt nhà, lông chó mèo...) hoặc khi trẻ thay đổi cảm xúc đột ngột.
Bác sĩ Hạnh cho biết khò khè là triệu chứng hen suyễn thường gặp, đôi khi phụ huynh mô tả sai triệu chứng của trẻ. Âm thanh phát ra từ mũi do nghẹt mũi, viêm mũi hoặc tiếng từ họng khi viêm nhiễm sưng amidan, viêm VA vùng họng không phải là tiếng khò khè. Tiếng khò khè là tiếng rít giống tiếng gió thổi qua khe hẹp. Bố mẹ có thể nghe được âm thành này khi ngồi gần hoặc áp tai vào lưng, ngực của bé.
Tần số thở ở trẻ em thay đổi theo độ tuổi. Đếm nhịp thở là một trong những việc quan trọng để đánh giá mức độ suy hô hấp ở trẻ. Bố mẹ nên quan sát tần số thở và kiểu thở của con nhằm phát hiện sớm dấu hiệu nặng của bệnh hen. Bác sĩ Hạnh lưu ý để xác định nhịp thở hay nông, trẻ có khó thở hay không, cần so sánh tình trạng thở hiện tại so với những ngày trẻ không có triệu chứng bệnh. Dấu hiệu phập phồng cánh mũi, rút lõm giữa ngực và bụng, rút lõm hõm ức được coi là khó thở.
Triệu chứng căng tức lồng ngực làm đau tức do phổi bị căng phồng lên cũng là một trong những yếu tố cơ bản để xác định hen suyễn. Trẻ lớn tuổi có thể nói cho bố mẹ biết về vị trí cơn đau, nhưng trẻ nhỏ thường phản ứng bằng cách quấy khóc.
Bệnh hen suyễn có yếu tố di truyền. Khi gia đình có ông bà hoặc bố mẹ, anh chị em ruột bị hen suyễn hoặc có cơ địa dị ứng, trẻ có nguy cơ bị hen cao hơn so với trẻ không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Ho và khò khè tái diễn có thể là biểu hiện của một số bệnh lý viêm đường thở khác. Trẻ nhỏ khò khè có thể do căn nguyên trào ngược dạ dày thực quản. Khi trẻ có các triệu chứng của nghi ngờ bệnh hen, bố mẹ cần cho bé đến bác sĩ khám ngay, không tự ý sử dụng kháng sinh, thuốc giảm ho. Bố mẹ cho trẻ mắc bệnh hen suyễn dùng thuốc điều trị đúng hướng dẫn bác sĩ, không tự bỏ thuốc hoặc tự tăng giảm liều, tái khám theo lịch hẹn.
Chế độ ăn uống bổ dưỡng, vận động thể dục vừa sức, môi trường sống trong lành, tiêm đủ vaccine phòng bệnh giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn, giảm các đợt hen cấp.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |