Thoái hóa khớp cổ tay là tình trạng tổn thương xương khớp và sụn ở vùng cổ tay. Khi sụn khớp cổ tay bị bào mòn, thoái hóa do thiếu dưỡng chất hoặc tổn thương, có thể dẫn tới sưng đau, nguy cơ nứt, gãy xương, ảnh hưởng đến tầm vận động của khớp. Thoái hóa cổ tay là do quá trình lão hóa tự nhiên và một số nguyên nhân khác như làm việc nặng, các động tác lặp lại nhiều lần, làm việc bằng tay nhiều...
Theo ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, thoái hóa khớp cổ tay nếu không được can thiệp kịp thời, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tàn phế. Do đó, người bệnh nên lưu ý các dấu hiệu cảnh báo dưới đây để kịp thời thăm khám bác sĩ:
Đau khớp là triệu chứng chính của thoái hóa cổ tay. Các cơn đau tăng lên khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi, đặc biệt là khi thực hiện các động tác cầm nắm đồ vật, có tác động lên cổ tay. Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ cảm thấy cổ tay đau nhức nhẹ, khi hoạt động có tiếng kêu lục cục, lạo xạo. Khi bệnh phát triển, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và lan ra những vị trí xung quanh.
Sưng và cứng khớp thường gặp vào buổi sáng sớm hoặc sau khi cổ tay ít vận động trong một khoảng thời gian. Tình trạng sưng, cứng khớp làm cho các động tác xoay và gập cổ tay... không còn linh hoạt, uyển chuyển.
Hoạt động thiếu linh hoạt, gặp khó khăn khi thực hiện những thao tác cầm nắm đồ vật. Tình trạng này xảy ra do thoái hóa khớp cổ tay kéo dài, không được điều trị đúng cách làm cho lực bám bàn tay yếu đi và mất kiểm soát độ bám của các ngón tay.
Teo cơ, mất khả năng vận động là dấu hiệu thoái hóa nghiêm trọng nhất. Lúc này, người bệnh mất khả năng vận động khớp cổ tay, teo cơ, biến dạng khớp.
Bác sĩ Thúy Vân cho biết, quá trình điều trị thoái hóa khớp cổ tay hướng tới 3 mục tiêu chính là làm chậm tiến trình thoái hóa khớp, kiểm soát biến dạng khớp; cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh thông qua các biện pháp giảm đau; duy trì chức năng vận động của khớp, cân bằng khả năng sinh hoạt bằng cách thay thế những khớp bị tổn thương. Tùy thuộc vào mức độ thoái hóa, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.
Khi tình trạng thoái hóa khớp cổ tay ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng những phương pháp điều trị tại nhà để dễ dàng kiểm soát triệu chứng bệnh như: nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh vùng cổ tay; chườm lạnh khoảng 15 - 20 phút mỗi lần giúp giảm đau nhức, sưng viêm và kiểm soát tình trạng tổn thương ở các mô; thực hiện các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng giúp giảm đau và căng cơ hiệu quả. Nếu cần thiết, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc như paracetamol, acetaminophen, các thuốc chống viêm, giãn cơ... để giảm nguy cơ phát triển biến chứng teo cơ, loãng xương...
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện vật lý trị liệu như kích thích dòng điện qua da, liệu pháp siêu âm, massage giảm đau, liệu pháp nhiệt... Tập vật lý trị liệu tuy mất nhiều thời gian nhưng sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị, giúp kiểm soát nhanh chóng các cơn đau nhức ở vùng cổ tay, lấy lại sự linh hoạt tại khớp khuỷu tay và cổ tay.
Khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc có nguy cơ biến chứng nặng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh tiến hành phẫu thuật. Tùy theo trường hợp bệnh cụ thể, sẽ có những phương pháp phẫu thuật khác nhau như: phẫu thuật dự phòng nhằm cân bằng tình trạng khớp cổ tay, duy trì hoạt động cho khớp; phẫu thuật bảo tồn can thiệp vào vị trí các khớp chưa bị tổn thương nghiêm trọng, khôi phục một số chức năng cơ học của khớp, cải thiện khả năng vận động khớp. Phẫu thuật thay thế được áp dụng khi tất cả các biện pháp điều trị trên không phát huy hiệu quả hoặc các khớp bị tổn thương nghiêm trọng bắt buộc phải có sự can thiệp chuyên khoa.
Phi Hồng