Theo Tổ chức giấc ngủ Quốc gia Mỹ, phụ nữ có nguy cơ mất ngủ trong suốt cuộc đời cao hơn 40% so với nam giới. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, nữ giới thường mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ, thời gian ngủ ngắn và thường cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy nhiều hơn so với phái mạnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, mất ngủ có thể xảy ra ở mọi đối tượng và độ tuổi. Tuy nhiên, nữ giới thường có nhiều yếu tố nguy cơ hơn, khiến tình trạng mất ngủ, khó ngủ diễn ra nhiều hơn.
Sự thay đổi nội tiết khi đến chu kỳ kinh nguyệt, mang thai... có ảnh hưởng đến giấc ngủ phụ nữ. Trước khi kỳ kinh nguyệt xuất hiện, nồng độ hormone progesterone thường giảm xuống. Hội chứng tiền kinh nguyệt với các triệu chứng như thay đổi cảm xúc, dễ bị kích thích, đau bụng... khiến nhiều chị em thao thức. Vào giai đoạn thai kỳ, nội tiết thay đổi, mẹ bầu thường thấy mệt mỏi, bất an, dễ buồn nôn... giấc ngủ vì thế cũng kém chất lượng.
Vào giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh, nồng độ hormone estrogen suy giảm (trung bình mỗi năm phái nữ mất đi 1% nội tiết tố estrogen) khiến chị em dễ lo âu, nổi cáu, bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, làm gián đoạn giấc ngủ.
Phụ nữ cũng thường chịu áp lực công việc nhà và chăm sóc, dạy dỗ con cái nhiều hơn nên dễ rơi vào căng thẳng, stress, thậm chí trầm cảm. Căng thẳng, lo âu là nguyên nhân làm tăng sinh gốc tự do và kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh hoạt động quá mức, dẫn đến các triệu chứng như khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc.
Phụ nữ nếu mắc các bệnh lý liên quan đến đường tiểu (như són tiểu, mất kiểm soát bàng quang), hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), đau cơ xơ hóa, hội chứng chân không yên, ngưng thở khi ngủ... đều có thể gặp tình trạng mất ngủ. Họ cũng có thể bị tỉnh giấc nhiều lần trong đêm do ảnh hưởng của triệu chứng bệnh.
Cách cải thiện mất ngủ ở phụ nữ
Để cải thiện tình trạng mất ngủ, theo bác sĩ Minh Đức, phụ nữ nên bắt đầu từ việc thiết lập lối sống lành mạnh, chủ động chăm sóc sức khỏe tinh thần, bộ não bằng các giải pháp khoa học.
Trước hết, chị em cần tạo thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một khung giờ để giúp đồng hồ sinh học của cơ thể hoạt động điều độ; đảm bảo phòng ngủ luôn sạch sẽ, mát mẻ; nhiệt độ phòng có thể giữ ở mức 26-28 độ C.
Phụ nữ cũng cần dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để giải tỏa căng thẳng, lấy lại nguồn năng lượng tích cực cho não bộ bằng các thói quen như đọc sách, nghe nhạc, tập yoga... Thu xếp thời gian, công việc bên ngoài và công việc nhà phù hợp; trao đổi với người thân để chia sẻ công việc khoa học, tránh áp lực.
Chế độ ăn lành mạnh, tăng cường nhóm thực phẩm giàu axit béo omega-3, magie, canxi, vitamin B, C, D... (có nhiều trong cá hồi, quả óc chó, trứng, tôm, sữa, quả bơ, bông cải xanh, cam...) cũng đem lại nhiều lợi ích cho giấc ngủ.
Ngoài ra, phụ nữ còn cần duy trì hoạt động thể chất đều đặn. Tập luyện thể dục thể thao 30 phút mỗi ngày với những bài tập phù hợp với sức khỏe như đi bộ, đạp xe, yoga... giúp nâng cao sức khỏe, giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Chị em ở giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh nên đến bệnh viện thăm khám, làm xét nghiệm nội tiết, khám nội thần kinh, phụ khoa... để được chẩn đoán và điều trị tình trạng rối loạn giấc ngủ.
Theo bác sĩ Minh Đức, một số dưỡng chất tự nhiên có khả năng hỗ trợ phòng chống gốc tự do, góp phần nuôi dưỡng mạch máu và tăng cường kết nối thần kinh như anthocyanin, pterostilbene trong quả việt quất (blueberry), bạch quả (ginkgo biloba). Các tinh chất này có khả năng trung hòa gốc tự do, tăng cường lưu thông máu và dưỡng chất lên não, phục hồi kết nối và chức năng dẫn truyền thần kinh, nhờ đó, giúp cải thiện mất ngủ.
Trinh Ngô