Ung thư tử cung là ung thư phụ khoa phổ biến gồm hai loại là ung thư biểu mô nội mạc tử cung và sarcoma tử cung. Ung thư biểu mô nội mạc tử cung phổ biến hơn và dễ điều trị trong giai đoạn đầu, trong khi sarcoma tử cung rất hiếm và khó điều trị. Bệnh có thể không có các triệu chứng trong giai đoạn đầu.
Ung thư biểu mô nội mạc tử cung: Bắt đầu trong các mô tuyến hoặc các mô liên kết của nội mạc tử cung (lớp niêm mạc tử cung). Ung thư này có 3 loại gồm ung thư biểu mô tuyến nội mạc tử cung (phổ biến nhất, ảnh hưởng đến các mô tuyến), ung thư mô đệm nội mạc tử cung (ít phổ biến hơn, ảnh hưởng đến các mô liên kết), khối u mullerian hỗn hợp ác tính (hiếm gặp, liên quan đến cả ung thư biểu mô và sarcoma).
Các triệu chứng ung thư nội mạc tử cung có thể gồm chảy máu không liên quan kinh nguyệt, chảy máu sau mãn kinh, tiết dịch âm đạo bất thường không có máu, tiểu khó hoặc đau, đau khi giao hợp, đau vùng xương chậu, giảm cân không chủ ý.
Sarcoma tử cung: Sarcoma tử cung là một nhóm các khối u ác tính, xuất phát chủ yếu từ cơ tử cung gồm mô cơ trơn, mô đệm, mô ngoài hoặc mô trong tử cung.
Các triệu chứng Sarcoma tử cung như chảy máu âm đạo bất thường hoặc ra máu, chảy máu sau mãn kinh, tiết dịch âm đạo bất thường không có máu, đi tiểu thường xuyên hơn. Người bệnh còn có thể bị đau bụng, khối u cục phát triển trong âm đạo, cảm thấy no hoặc đầy hơi. Chán ăn, thay đổi thói quen đi tiêu và trong bàng quang có thể xảy ra khi khối u ác tính xâm lấn các cơ quan lân cận.
Dưới đây là các nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư tử cung:
Mất cân bằng nội tiết tố: Yếu tố này có vai trò nhất định trong ung thư tử cung. Estrogen lấn át progesterone có thể làm các tế bào và mô của nội mạc tử cung nhân lên nhanh hơn bình thường, dẫn đến tăng sản nội mạc tử cung (nội mạc tử cung mở rộng bất thường).
Số lượng chu kỳ kinh nguyệt cao: Người có kỳ kinh nguyệt đầu tiên trước 12 tuổi hoặc mãn kinh sau 50 tuổi đều có nguy cơ mắc ung thư tử cung.
Mang thai trễ: Ung thư tử cung phổ biến hơn ở người chưa mang thai. Bởi khi mang thai cơ thể sản xuất nhiều progesterone hơn và ít estrogen hơn. Vô sinh có liên quan đến sự mất cân bằng giữa progesterone và estrogen góp phần gây ra loại ung thư này.
Tuổi tác: Ung thư nội mạc tử cung thường xảy ra ở tuổi sau mãn kinh, độ tuổi trung bình được chẩn đoán là 60, không phổ biến ở người dưới 45 tuổi.
Liệu pháp thay thế estrogen: Nhiều người sử dụng liệu pháp estrogen sau mãn kinh để điều trị các triệu chứng như khô âm đạo, loãng xương, bốc hỏa trầm trọng, khó ngủ. Liệu pháp này làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, nhất khi nội mạc tử cung tiếp xúc với estrogen mà không có progesterone. Bác sĩ có thể kê liều lượng thấp estrogen kết hợp với progesterone thấp cho người bệnh.
Tiếp xúc bức xạ: Ung thư tử cung có thể có liên quan đến việc tiếp xúc với bức xạ từ 5-25 năm trước đó. Phụ nữ bị u nguyên bào võng mạc có nhiều khả năng mắc sarcoma tử cung.
Ung thư tử cung thường được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu (tại chỗ), tế bào ung thư đã phát triển ở tử cung, chưa lây lan đến các cơ quan hoặc cấu trúc lân cận. Gai đoạn 2 (khu vực), ung thư lan đến các hạch bạch huyết cạnh động mạch chủ và trong xương chậu. Giai đoạn 3 (di căn), khối u di căn đến các hạch bạch huyết ở xa, các cơ quan khác của cơ thể. Hầu hết ung thư tử cung đều được phát hiện sớm. Bởi một dấu hiệu phổ biến là chảy máu âm đạo ở phụ nữ từ 50-60 tuổi dễ nhận biết là bất thường.
Các triệu chứng trên cũng có thể cảnh báo bạn mắc các bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, u tuyến, viêm teo âm đạo, teo nội mạc tử cung, tăng sản nội mạc tử cung và polyp tử cung... Nếu có các triệu chứng cảnh báo ung thư tử cung, bạn nên khám tầm soát ung thư. Phát hiện sớm và điều trị bệnh ở giai đoạn đầu hiệu quả hơn, tăng tỷ lệ sống sót. Tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm đối với ung thư nội mạc tử cung điều trị giai đoạn đầu là 95%, giai đoạn 2 là 69%, chỉ còn 17% ở giai đoạn di căn (cuối).
Việc điều trị sẽ dựa trên loại ung thư, giai đoạn, mức độ, tuổi tác, sức khỏe tổng thể và mong muốn sinh con. Ung thư nội mạc tử cung và sarcoma tử cung được điều trị tương tự nhau với các phương pháp như phẫu thuật (cắt bỏ tử cung, cổ tử cung, phần trên âm đạo và các mô lân cận), hóa xạ trị, liệu pháp hormone, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp gene... Sarcoma tử cung nguy hiểm và khó điều trị hơn, thường cần hóa trị ở giai đoạn đầu, còn ung thư nội mạc tử cung có thể không cần.
Mai Cát
(Theo Very Well Health)