Ung thư cổ tử cung (tiếng Anh là Cervical Cancer) là bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô lát (tế bào biểu mô vảy) hoặc tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung phát triển bất thường dẫn đến hình thành các khối u trong cổ tử cung. Các khối u này nhân lên một cách mất kiểm soát, xâm lấn và tác động đến các cơ quan xung quanh, thường gặp nhất là di căn đến phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê - khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, ung thư cổ tử cung (UTCTC) đã và đang là mối nguy hàng đầu đe dọa sức khỏe, tính mạng của phụ nữ trên toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới ghi nhận hơn 500.000 trường hợp mắc mới và có khoảng 250.000 ca tử vong. Ước tính đến năm 2030, số ca tử vong do căn bệnh này có thể tăng lên đến 443.000 người, gấp đôi các ca tử vong liên quan đến các tai biến sản khoa.
Riêng Việt Nam ghi nhận có hơn 4.000 ca mắc mới mỗi năm và hơn 2.000 ca tử vong. Trung bình mỗi ngày Việt Nam có 14 người phát hiện bị ung thư cổ tử cung, trong đó khoảng 7 ca tử vong. Thêm vào đó, chi phí điều trị ung thư cổ tử cung khá cao. Căn bệnh này cũng để lại hệ lụy nặng nề cho sức khỏe, tâm sinh lý và hạnh phúc của người phụ nữ.
Tùy theo loại ung thư cổ tử cung mà người bệnh được chỉ định phương pháp điều trị khác nhau.
Ung thư biểu mô tế bào gai (Squamous cell carcinoma): là dạng ung thư bắt đầu từ các tế bào mỏng, phẳng lót phần ngoài của cổ tử cung. Theo thống kê, đây là dạng ung thư cổ tử cung phổ biến nhất, khoảng 80-85% tổng số các trường hợp, xuất hiện do nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV).
Ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma): là dạng ung thư xảy ra ở các tế bào tuyến dòng phần trên cổ tử cung, chiếm khoảng 10-20% tổng số các trường hợp mắc bệnh.
Các dạng ung thư cổ tử cung khác như: ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư mô liên kết - tuyến, ung thư biểu mô tuyến - tế bào gai, ung thư lympho, ung thư hắc tố... thường không có sự liên quan đến virus gây u nhú HPV, xác suất ít gặp hơn nhưng lại không thể phòng ngừa được như ung thư biểu mô tế bào gai.
Nguyên nhân
Thống kê của WHO cho thấy, khoảng 99,7% trường hợp ung thư cổ tử cung đều có sự hiện diện của virus HPV (Human Papilloma Virus). Do đó, HPV được coi là yếu tố nguy cơ cao nhất dẫn đến việc mắc bệnh lý này ở nữ giới.
HPV là loại virus được xếp vào nhóm nguy cơ cao dẫn đến khối u ác tính cổ tử cung, phổ biến nhất là các týp 16 và 18 (nguyên nhân của hơn 70% trường hợp mắc bệnh ở nữ giới), tiếp đến là týp 31 và 45. ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê cho biết, HPV chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục, một số ít trường hợp người bệnh không quan hệ tình dục, chỉ tiếp xúc ngoài da nhưng vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm. Hầu hết các trường hợp lây nhiễm HPV không có triệu chứng cụ thể, người bệnh có thể tự khỏi sau vài tháng mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp nhiễm týp HPV có nguy cơ cao, virus này có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể gây biến đổi gen tế bào cổ tử cung, dẫn đến các tổn thương sơ khởi và lâu ngày tăng dần dẫn đến ung thư.
Mặc dù quá trình tiến triển đến ung thư ở vị trí này thường không có triệu chứng rõ ràng, diễn tiến chậm, kéo dài khoảng 10-15 năm nhưng một số quốc gia đã ghi nhận căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt ở những quốc gia có đời sống quan hệ tình dục sớm.
Dấu hiệu nhận biết
Theo bác sĩ Hiền Lê, các triệu chứng ban đầu của khối u ác tính vùng cổ tử cung không rõ ràng, tiến triển thầm lặng, người bệnh khó nhận biết. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn đồng nghĩa với việc tế bào ung thư đã di căn lan rộng. Các can thiệp điều trị lúc này vẫn có thể phát huy được hiệu quả nhưng khá phức tạp và tốn nhiều chi phí. Trong trường hợp xấu nhất, phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng, các hạch bạch huyết lân cận, ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ.
Một số dấu hiệu giúp nhận biết gồm: đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục; chảy máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa; dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi.
Các giai đoạn
Thông thường, bệnh lý phát triển qua các giai đoạn:
Giai đoạn 0: Giai đoạn này chưa có tế bào ung thư ở cổ tử cung, bắt đầu xuất hiện các tế bào bất thường và có thể phát triển thành tế bào ung thư trong tương lai. Do đó, giai đoạn này được gọi là tiền ung thư hoặc ung thư biểu mô tại chỗ.
Giai đoạn I: Ung thư chỉ mới xảy ra ở bên trong cổ tử cung.
Giai đoạn II: Ung thư đã bắt đầu lan ra bên ngoài cổ tử cung, xâm lấn vào các mô xung quanh nhưng chưa đến các mô lót trong khung chậu hoặc phần dưới của âm đạo.
Giai đoạn III: Các tế bào ung thư đã xâm lấn vào phần dưới của âm đạo và các mô lót trong khung chậu.
Giai đoạn IV: Ung thư di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, như: ruột, bàng quang, phổi...
Biến chứng nguy hiểm
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ung thư cổ tử cung có thể tiến triển xấu, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Vô sinh: Các khối u xâm lấn và tác động đến cổ tử cung - nơi tinh trùng và trứng gặp nhau. Trong một số trường hợp, để điều trị dứt điểm bệnh, đảm bảo tính mạng người bệnh đòi hỏi phải cắt toàn bộ tử cung và buồng trứng, điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ mất đi thiên chức làm mẹ. Thêm vào đó, việc cắt buồng trứng có thể khiến quá trình mãn kinh diễn ra sớm hơn.
Ảnh hưởng tâm sinh lý: bệnh gây rối loạn cảm xúc, nhiều trường hợp người bệnh bị trầm cảm, tan vỡ hạnh phúc gia đình.
Chảy máu bất thường: Trường hợp các khối u xâm lấn vào âm đạo, hoặc di căn đến ruột, bàng quang có thể gây chảy máu, người bệnh đi tiểu có lẫn máu.
Suy thận: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các khối u có thể chen vào niệu quản, làm tắc dòng nước tiểu ra khỏi thận. Khi nước tiểu tích tụ lâu ngày sẽ khiến thận sưng lên, nguy cơ gây sỏi thận và suy giảm chức năng thận.
"Khối u ác tính cổ tử cung nếu được phát hiện sớm, ngay từ giai đoạn tiền ung thư thì tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến hơn 90%. Ở giai đoạn I, tỷ lệ điều trị thành công vào khoảng 85-90% và giảm dần ở các giai đoạn sau. Đến giai đoạn II giảm còn 50-75%, giai đoạn III là 25-40%, ở giai đoạn IV chỉ còn 15%, tiên lượng người bệnh chỉ kéo dài sự sống thêm 5 năm", ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê nhấn mạnh.
Đối tượng có nguy cơ cao
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một số yếu tố làm khả năng thay đổi từ tế bào lành tính sang tế bào ung thư, tăng nguy cơ mắc khối u cổ tử cung ở nữ giới có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, mang thai quá sớm (trước 17 tuổi) hoặc mang thai nhiều lần (lớn hơn 4 lần); nữ giới mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác (như chlamydia, giang mai, HIV/AIDS...); nữ giới có hệ miễn dịch suy yếu và hút thuốc lá...
Chẩn đoán
Thông qua quá trình khám lâm sàng, hỏi bệnh sử, nếu nghi ngờ người bệnh có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.
Soi cổ tử cung
Phương pháp chẩn đoán này được sử dụng trong trường hợp người bệnh có kết quả xét nghiệm sàng lọc cổ tử cung bất thường, hoặc có một trong các triệu chứng ung thư cổ tử cung. Mục đích của phương pháp này nhằm phát hiện những bất thường trong cổ tử cung của người bệnh.
Bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt để mở âm đạo, dùng một kính hiển vi nhỏ có đèn chiếu sáng để quan sát cổ tử cung. Trường hợp người bệnh bị chảy máu thất thường, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm chlamydia trước khi soi cổ tử cung.
Sinh thiết cổ tử cung
Bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để kiểm tra, phát hiện các tế bào ung thư. Quá trình này có thể khiến người bệnh bị chảy máu âm đạo kéo dài, tối đa là 6 tuần. Người bệnh cũng có thể có triệu chứng đau giống như vào chu kỳ kinh nguyệt.
"Trong hầu hết các trường hợp, những bất thường chỉ mới được phát hiện ở một phương pháp chẩn đoán nào đó chưa đủ để kết luận bệnh nhân có mắc ung thư ở vùng cổ tử cung hay không. Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm phụ khoa bổ sung", ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê nói thêm.
Các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh bổ sung
Khi kết quả soi cổ tử cung hoặc sinh thiết cho thấy những tế bào bất thường, người bệnh có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung thì vẫn cần thực hiện thêm một số kiểm tra bổ sung như:
Kiểm tra vùng chậu: phương pháp này được thực hiện sau khi gây mê tổng quát, bác sĩ sẽ lần lượt kiểm tra tế bào ung thư ở các cơ quan của người bệnh như tử cung, âm đạo, bàng quang và trực tràng.
Xét nghiệm máu: nhằm đánh giá tình trạng và mức độ tổn thương gan, thận và tủy xương của người bệnh.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI): phương pháp này được sử dụng trong các trường hợp muốn xác định khối u, thăm dò mức độ xâm lấn và di căn của các tế bào bất thường.
Chụp X-quang phổi: nhằm kiểm tra tế bào ung thư đã di căn đến phổi chưa.
Chụp PET-CT: phương pháp này thường được kết hợp với chụp CT nhằm xác định xem ung thư đã di căn hay chưa, đồng thời thăm dò khả năng đáp ứng của người bệnh với các phương pháp điều trị.
Từ kết quả kiểm tra cận lâm sàng kết hợp với khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác ung thư đang ở giai đoạn nào và đề xuất phương pháp điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Thúy Nguyễn