Tầm soát ung thư là những phương pháp, xét nghiệm được thực hiện để phát hiện tình trạng ung thư trước khi người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào. Việc tầm soát ung thư định kỳ rất quan trọng vì giúp bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó có hướng điều trị kịp thời nhằm chữa khỏi bệnh, kéo dài tuổi thọ hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống. Tùy từng loại ung thư mà thời gian và tần suất tầm soát sẽ khác nhau. Dưới đây là thời gian tầm soát cho một số loại ung thư thường gặp.
Ung thư vú
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Theo Globocan, Việt Nam có 21.555 ca mắc mới ung thư vú và 9.345 ca tử vong do bệnh lý này vào năm 2020. Khám vú lâm sàng, chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp nhũ ảnh là các phương pháp giúp tầm soát ung thư vú, trong đó chụp nhũ ảnh là phương pháp phổ biến nhất.
Theo các chuyên gia, phụ nữ nên bắt đầu chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú từ 40 tuổi. Tùy theo độ tuổi mà tần suất tầm soát sẽ khác nhau. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Mỹ, phụ nữ 40-54 tuổi nên bắt đầu tầm soát ung thư vú bằng cách chụp nhũ ảnh hàng năm. Phụ nữ trên 55 tuổi nên chụp nhũ ảnh hai năm một lần hoặc duy trì tầm soát hàng năm. Với những phụ nữ có nhiều yếu tố nguy cơ như có đột biến BRCA, tiền sử gia đình mang đột biến BRCA hoặc mắc ung thư vú, người đã xạ trị vùng ngực khi 10-30 tuổi, bệnh nhân mắc hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Cowden, hội chứng Bannayan-Riley-Ruvalcaba hoặc có người thân mắc các hội chứng này nên bắt đầu tầm soát từ tuổi 30.
Ung thư đại trực tràng
Đối với những người có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng trung bình, Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị nên bắt đầu tầm soát thường xuyên ở tuổi 45. Quá trình tầm soát ung thư đại trực tràng thường được thực hiện bằng xét nghiệm tìm kiếm dấu hiệu ung thư trong phân hoặc nội soi. Những người 76-85 tuổi nên nói chuyện với bác sĩ về việc có nên tiếp tục khám sàng lọc ung thư đại trực tràng hay không. Theo các chuyên gia, người trên 85 tuổi không nên tầm soát nữa.
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung cũng là một trong các loại ung thư gây ảnh hưởng nhiều đến nữ giới. Xét nghiệm phết tế bào pap smear và xét nghiệm phát hiện HPV là hai phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung thường được sử dụng. Theo các chuyên gia, phụ nữ nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung từ 21 tuổi. Phụ nữ 21-29 tuổi nên làm xét nghiệm phết tế bào pap smear ba năm một lần. Từ 30-64 tuổi, phụ nữ có thể làm xét nghiệm pap smear ba năm một lần, xét nghiệm HPV 5 năm một lần hoặc thực hiện kết hợp cả hai xét nghiệm trên mỗi năm năm một lần. Khi trên 65 tuổi, phụ nữ có thể ngừng tầm soát ung thư cổ tử cung nếu có kết quả bình thường trong vòng vài năm hoặc đã phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ.
Ung thư phổi
Tầm soát ung thư phổi không phổ biến như tầm soát các loại ung thư khác. Chụp cắt lớp vi tính liều thấp (CT liều thấp) có thể giúp tầm soát ung thư phổi nhưng thường không được khuyến khích trừ khi người bệnh có các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như hút thuốc lá lâu dài. Theo các chuyên gia, việc tầm soát ung thư phổi chỉ được khuyến nghị cho những người 55-80 tuổi nghiện hút thuốc lá nặng trong 15 năm kể từ khi xét nghiệm. Người nghiện thuốc lá nặng là người có tiền sử hút ít nhất 20 năm hút thuốc (được tính bằng số bao thuốc lá hút mỗi ngày nhân với số năm hút thuốc).
Ung thư tuyến tiền liệt
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo, từ 50 tuổi, nam giới nên trao đổi với bác sĩ về những ưu và nhược điểm của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt để quyết định có nên thực hiện các phương pháp này hay không. Nam giới có bố hoặc anh trai được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt ở độ tuổi trẻ (trước 65 tuổi) nên bắt đầu tầm soát từ 45 tuổi. Những người có nhiều người thân cùng phát triển bệnh trước 65 tuổi thì nên tầm soát từ 40 tuổi.
Việc tầm soát ung thư có thể giúp bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó có hướng điều trị kịp thời và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, mọi người nên thay đổi lối sống và có những biện pháp như ăn uống lành mạnh, tập thể dục, bỏ thuốc lá, tránh uống rượu bia, bảo vệ da... để ngăn ngừa bệnh tật, thay vì điều trị bệnh.
Phương Quỳnh (Theo American Cancer Society, Asbestos)