Thoái hóa khớp háng xảy ra khi lớp sụn khớp bị bào mòn bởi nhiều yếu tố khác nhau, gây đau dai dẳng và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống thường ngày của người bệnh.
ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Lưu, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khớp háng được bao phủ bởi nhiều lớp mô cơ và dây chằng bên ngoài nên những thương tổn ở bộ phận này thường khó nhận biết, dễ bị nhầm với tổn thương thắt lưng hoặc xương chậu. Do đó, người bệnh có thể điều trị chậm trễ, khiến bệnh phát triển, biến chứng nghiêm trọng như biến dạng khớp gây tàn phế, nứt hoặc gãy xương hông, teo cơ và dây chằng ở khu vực xung quanh khớp háng, suy giảm sức khỏe tinh thần...
Hầu hết người bệnh thoái hóa khớp đều có triệu chứng đau nhức. Tuy nhiên, tùy vào giai đoạn phát triển của bệnh mà tính chất cơn đau có thể thay đổi.
Giai đoạn sớm: Cơn đau chủ yếu tập trung ở vùng bẹn, có thể lan xuống mông, đùi hoặc khớp gối, đau tăng khi người bệnh cử động hoặc đứng lâu.
Giai đoạn sau: Đau dữ dội vào sáng sớm và thường xảy ra khi đổi tư thế từ ngồi sang đứng hoặc khi di chuyển, đồng thời có xu hướng đau mỏi về chiều tối.
Giai đoạn muộn: Đau nhiều về đêm, ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi, làm suy giảm chất lượng giấc ngủ. Vào thời điểm giao mùa, cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số triệu chứng khác: Cứng khớp lúc sáng sớm hoặc khi ngồi quá lâu, khô khớp, gần như không thể thực hiện những động tác đơn giản như đi lại, cúi người, bước vào xe ô tô, sưng nóng khớp...
Bác sĩ Lưu cho biết thoái hóa khớp háng là bệnh có khả năng xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ, bị viêm khớp háng, tiền sử tai nạn, chấn thương ở khu vực khớp háng... Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị chủ yếu kiểm soát tình trạng đau khớp dai dẳng, duy trì khả năng đi lại, tránh nguy cơ tàn phế, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Sau chẩn đoán, tùy vào mức độ tổn thương, bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Trong đó, dùng thuốc giảm đau dạng uống hoặc tiêm là lựa chọn ưu tiên trong điều trị thoái hóa khớp háng, giúp người bệnh hết đau dai dẳng, khó chịu.
Nếu thuốc không đem lại hiệu quả hoặc khả năng vận động và chất lượng sống của người bệnh suy giảm nghiêm trọng, bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay khớp háng. Phương pháp này loại bỏ khớp háng bị tổn thương và thay thế bằng khớp nhân tạo, nhờ đó người bệnh khỏi cơn đau, cải thiện khả năng hoạt động.
Các kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo thường được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là SuperPath, ABMS... Bác sĩ Lưu cho biết đây là những phương pháp thay khớp ít xâm lấn, người bệnh ít đau, ít mất máu, hạn chế tổn thương gân, cơ, dây chằng và các mô mềm xung quanh. Người bệnh phục hồi nhanh hơn, đi lại ngay ngày đầu tiên sau phẫu thuật, tránh được nguy cơ trật khớp háng sau này và có thể thực hiện các động tác khó như ngồi xổm, ngồi xếp bằng...
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |