Trả lời:
Đau hậu môn là tình trạng đau ở trong và xung quanh hậu môn hoặc trực tràng, thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu cơn đau đi kèm với một số triệu chứng khác có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh nghiêm trọng.
Cơn đau có nhiều mức độ, đau dữ dội có thể là dấu hiệu cho thấy có vết thương, vết loét hay vết nứt ở hậu môn hoặc trĩ huyết khối (bệnh trĩ có cục máu đông bên trong).
Đau kèm cảm giác như có vật gì đó gây sưng tấy bên trong có thể do áp xe phần mô mềm quanh ống hậu môn. Đau kèm theo triệu chứng ngứa thường là bệnh trĩ, nhiễm trùng nấm, sùi mào gà hậu môn (bệnh lây truyền qua đường tình dục).
Vết nứt hậu môn hoặc phân cứng làm tăng độ ma sát gây kích ứng niêm mạc vùng ống hậu môn dẫn đến các cơn đau sau khi đi đại tiện.
Đau vị trí này còn do bệnh rò hậu môn, xảy ra bởi nhiễm trùng tạo đường hầm nối thông giữa trực tràng hay ống hậu môn với vùng da xung quanh hậu môn. Biểu hiện gồm sưng nóng, đỏ, đau, có thể có mủ, đôi khi xuất hiện khối sưng phồng nằm ngay cạnh hậu môn.
Đau hậu môn còn có thể do nhiễm trùng, nhiễm nấm hoặc ung thư hậu môn trực tràng. Lúc này khối u xuất hiện, chèn ép xung quanh khiến đau hơn. Nếu u ác tính không được điều trị kịp thời sẽ vỡ, tế bào ung thư di căn sang các bộ phận khác, rất nguy hiểm.
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra cơn đau, bác sĩ yêu cầu người bệnh nằm nghiêng về bên trái, đầu gối cong về phía ngực và dùng tay kiểm tra. Tùy vào từng trường hợp, người bệnh có thể được chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác như nội soi trực tràng hoặc đại tràng, đo áp lực hậu môn trực tràng.
Các trường hợp đau nhẹ chỉ cần điều trị, kết hợp chăm sóc tại nhà để cải thiện triệu chứng, bao gồm ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, tập thể dục hàng ngày, dùng thuốc làm mềm phân, thoa kem điều trị nứt, thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm...
Trường hợp cần thiết, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ huyết khối, phẫu thuật lỗ rò hoặc giải phóng tình trạng căng cơ.
Bạn chỉ cho biết đau hậu môn nhưng không nói rõ có triệu chứng khác đi kèm không nên bác sĩ không thể biết có phải do bệnh trĩ hay không. Để xác định chính xác bệnh, bạn cần đến bệnh viện có chuyên khoa Tiêu hóa - Hậu môn trực tràng khám, chẩn đoán, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Nếu bạn đau hậu môn kèm theo các triệu chứng như chảy máu trực tràng ồ ạt, chóng mặt, ngất xỉu hoặc tình trạng đau ngày càng nặng... cần đến viện càng sớm càng tốt.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |