Mặc dù không nguy hiểm nhưng trĩ gây nhiều phiền toái, khó khăn khi đại tiện và sinh hoạt của người bệnh. Bệnh trĩ có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như ngồi nhiều, ít vận động; uống ít nước; chế độ ăn thiếu rau xanh, chất xơ; béo phì; phụ nữ mang thai; táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính...
Theo bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trĩ xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất ở người từ 30-60 tuổi, trong đó, phụ nữ mắc trĩ nhiều hơn nam giới. Trĩ dù ở dạng phát triển bên trong trực tràng (trĩ nội) hay dưới da xung quanh hậu môn (trĩ ngoại), khi các búi trĩ đã sưng to đều gây đau rát, thậm chí mất máu. Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp người bệnh giảm đáng kể tình trạng này.
Tăng chất xơ trong chế độ ăn
Chất xơ giúp tăng trọng lượng phân, giảm độ pH trong ruột già, tăng khả năng giữ nước, giảm thời gian phân nằm trong ruột già nên phân mềm hơn, dễ đi tiêu, giảm đau khi đại tiện. Theo Very Well Health, bổ sung chất xơ có thể giảm 50% tình trạng chảy máu liên quan đến bệnh trĩ.
Có hai loại chất xơ và chúng đều có thể hỗ trợ điều trị và giảm các triệu chứng của bệnh trĩ.
Chất xơ hòa tan hút nước và chuyển thành dạng gel, làm chậm quá trình tiêu hóa. Nó được tìm thấy trong cám yến mạch, lúa mạch; quả hạch; các loại hạt, đậu (đậu lăng, đậu Hà Lan), một số loại trái cây và rau quả, psyllium (một chất bổ sung chất xơ phổ biến).
Chất xơ không hòa tan bổ sung khối lượng lớn vào phân, giúp thức ăn đi qua hệ tiêu hóa nhanh hơn. Nó được tìm thấy trong cám lúa mì, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
Theo Tiến sĩ Khanh, khi tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn, bạn nên bắt đầu từ từ vì tăng nhiều chất xơ đột ngột có thể gây đầy hơi, chướng bụng.
Theo khuyến nghị của Hiệp hội y khoa Mỹ, lượng chất xơ cần thiết cho trẻ em và người lớn là 14 g trên 1.000 calo tiêu thụ. Trong đó, người lớn từ 19 đến 50 tuổi là 38 g mỗi ngày đối với nam và 25 g mỗi ngày đối với nữ.
Uống đủ nước
Uống khoảng 1,5-2 lít (khoảng 8 cốc) nước mỗi ngày giúp phân ngậm nước, đi tiêu dễ dàng hơn. Người bệnh trĩ nên lưu ý hạn chế sử dụng thức uống chứa caffeine và cồn.
Đi bộ 5 phút mỗi giờ
Để giảm áp lực lên vùng trực tràng, bạn nên tránh ngồi liên tục trong nhiều giờ. Tập thể dục thường xuyên như đi bộ hoặc bơi lội, làm tăng nhu động ruột, phân dễ dàng bài tiết, giảm đau khi đại tiện. Nếu bạn phải ngồi nhiều thì nên hình thành thói quen đứng dậy đi lại khoảng 5 phút mỗi giờ.
Người bệnh trĩ tập gym nên tránh tập trên máy đạp xe cố định và ngồi xổm. Thay vào đó, bạn nên đi bộ nhanh từ 20-30 phút để kích thích chức năng ruột.
Ngâm nước nóng
Hơi nóng làm tăng lưu lượng máu, giảm tình trạng căng giãn tĩnh mạch ở các búi trĩ. Bạn có thể đổ nước ấm vào chậu lớn hoặc ngập đáy bồn tắm (cao khoảng 10-13 cm), sau đó, ngồi vào trong khoảng 20 phút hoặc tới khi nước nguội. Tư thế ngồi là đầu gối hơi nâng lên để nước ấm được tiếp xúc trực tiếp với vùng hậu môn bị tổn thương.
Thoa kem dưỡng ẩm hoặc dầu dừa
Khi búi trĩ sưng đau và khô, bạn có thể thoa kem dưỡng ẩm như vaseline để giảm cảm giác khó chịu. Tốt nhất nên chọn loại không chất tạo màu, tạo mùi, được làm từ thành phần thiên nhiên để tránh kích ứng. Dầu dừa là một loại dưỡng ẩm tự nhiên, lành tính bạn có thể tham khảo.
Chườm đá lạnh
Đá lạnh giúp các mạch máu trong búi trĩ đang bị căng giãn, sưng phồng dần co lại nên làm dịu cơn đau. Bạn có thể đặt viên đá lạnh vào một miếng vải hoặc khăn bông sạch và chườm lên búi trĩ trong khoảng 15-20 phút. Nếu cần thiết phải lặp lại, bạn nên chườm thêm một lần nữa sau đó 10 phút.
Dùng túi trà
Trường hợp bị trĩ ngoại, bạn có thể dùng một túi trà ấm đắp lên vùng hậu môn để làm dịu cơn đau. Chất tannin trong túi trà có đặc tính làm se, giảm sưng và có khả năng cầm máu.
Vệ sinh hậu môn đúng cách
Theo Tiến sĩ Khanh, người mắc bệnh trĩ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn giấy vệ sinh. Các loại giấy vệ sinh có mùi thơm hoặc kém chất lượng thường được ngâm, tẩy nhiều hóa chất, có thể gây kích ứng vùng hậu môn. Nếu cần bạn sử dụng loại giấy đơn giản, không mùi và nên làm ẩm trước khi sử dụng để hạn chế sự cọ xát.
Người bệnh trĩ nên vệ sinh vùng hậu môn bằng nước sạch, tránh rửa bằng xà phòng hoặc dung dịch tẩy rửa, sau đó, thấm khô bằng khăn sạch. Ngoài ra, bạn có thể dùng các loại khăn ướt có thành phần chiết xuất từ cây phỉ (hazel) hoặc lô hội (nha đam), nhưng không chứa cồn, nước hoa hoặc các thành phần hóa học có thể gây kích ứng khác.
Mặc quần áo rộng rãi, nằm nghỉ ngơi thay vì ngồi nhiều, không nhịn đi vệ sinh hoặc rặn mạnh khi đại tiện... cũng giảm cơn đau. Khi có các dấu hiệu trĩ trở nặng như chảy máu thành tia, hậu môn có biểu hiện hoại tử hoặc đau rát không thể cải thiện, khó sinh hoạt,... bạn nên đi khám để được điều trị bằng thuốc kê đơn hoặc can thiệp bằng các phẫu thuật nếu cần thiết.
Trịnh Mai