Bệnh trĩ khá phổ biến, nhất là ở những người từ 45 đến 75 tuổi. Có hai loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ ngoại phát triển dưới da xung quanh bên ngoài hậu môn. Trĩ nội phát triển bên trong trực tràng và thường không nhìn thấy bằng mắt thường, chỉ nhìn được khi búi trĩ lớn sa ra ngoài. Triệu chứng thường gặp của bệnh là ngứa, đau nhẹ và có thể cải thiện tại nhà bằng các biện pháp đơn giản.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, tuy trĩ thường gặp nhưng nếu bệnh nặng, không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn búi trĩ, sa nghẹt hậu môn, nhiễm trùng máu, ung thư trực tràng...
Đau rát khó chịu
Tình trạng đau rát, khó chịu không cải thiện có thể do tắc mạch búi trĩ hình thành các cục máu đông. Quá trình lưu thông máu gặp khó khăn gây đau rát hậu môn. Khi bị tắc mạch sẽ xuất hiện các khối phồng căng cứng đối với trĩ ngoại, đau nhiều phía trong hậu môn đối với trĩ nội.
Người bệnh trĩ bị đau rát hậu môn dữ dội còn do viêm nhiễm lan rộng gây tổn thương niêm mạc xung quanh hậu môn, áp xe hậu môn trực tràng. Tình trạng nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến hoại tử búi trĩ, người bệnh có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Đại tiện khó khăn
Người bệnh cảm thấy đau khi đại tiện, thậm chí mất tự chủ khi đại tiện cho thấy búi trĩ phát triển kích thước lớn, gây sa nghẹt búi trĩ hoặc rối loạn chức năng co thắt hậu môn. Do đau khi đại tiện khiến bệnh nhân sợ và nhịn dẫn đến phân rắn hơn, lại càng đau khi đại tiện sau đó. Nếu không kịp thời thăm khám và điều trị có thể khiến búi trĩ nứt và chảy máu gây viêm nhiễm, dễ ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận.
Đi ngoài lẫn máu
Người mắc bệnh trĩ thường đi ngoài lẫn máu, có thể nhỏ giọt, phun thành tia hoặc chỉ có ít bám theo phân hoặc thấy ở giấy sau khi vệ sinh. Đôi khi, bệnh nhân cũng thấy nước trong bồn cầu đỏ mà không rõ máu. Nếu bạn bị chảy máu nhiều do trĩ có thể gây hoa mắt chóng mặt khi thay đổi tư thế đang nằm chuyển ngồi dậy hoặc khi ngồi xuống và đứng lên.
Chảy máu do bệnh trĩ có thể gây thiếu máu hoặc không đủ hồng cầu. Các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Tình trạng thiếu máu có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt hoặc khó thở. Bệnh trĩ trong giai đoạn áp xe hậu môn tăng nguy cơ nhiễm trùng máu. Vi khuẩn, độc tố dễ xâm nhập vào các tĩnh mạch búi trĩ gây nhiễm trùng, đe dọa đến tính mạng.
Theo Tiến sĩ Khanh, để tránh bệnh trĩ trở nặng, ngoài các biện pháp điều trị thông thường, người bệnh cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn và lối sống, tập thể dục thường xuyên, uống nhiều nước, ăn đồ lỏng và chất xơ. Chất xơ giúp làm mềm phân, ngăn ngừa táo bón. Tránh dùng chất kích thích khi trĩ gây triệu chứng như uống bia rượu, ăn nhiều hành tỏi sống và ớt... khiến các triệu chứng của bệnh trĩ trầm trọng hơn. Vì vậy, khi gặp các dấu hiệu trên, bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Lục Bảo