Có nhiều nguyên nhân gây ra các cơn đau bụng. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, đây có thể là hiện tượng bình thường, không nguy hiểm nhưng cũng có thể là dấu hiệu sức khỏe có vấn đề. Dựa vào vị trí, tần suất, mức độ và các biểu hiện đi kèm, đau bụng có thể cảnh báo một số bệnh lý đường tiêu hóa, nhồi máu cơ tim, phình tách động mạch chủ bụng, sỏi hệ tiết niệu hoặc viêm đường tiết niệu... Dưới đây là những trường hợp đau bụng nguy hiểm từ đường tiêu hóa.
Đau dữ dội sau uống rượu bia
Đau đột ngột vùng bụng trên, dưới xương ức sau bữa ăn no, nhiều chất béo hoặc sau uống rượu bia thường là dấu hiệu của viêm tụy cấp. Khi nhu mô tụy đang viêm, men tiêu hóa tiết nhiều có thể khiến mức độ đau ngày càng tăng lên, lan ra sau lưng hoặc lan sang hạ sườn hai bên, dễ nhầm lẫn với đau dạ dày. Cơn đau sẽ dịu đi nếu người bệnh nghiêng về phía trước, nằm nghiêng một bên với đầu gối uốn cong gập về phía bụng. Những cử động mạnh như ho, đi lại, hít thở sâu, nằm ngửa, ngồi dậy có thể khiến đau dữ dội hơn. Ngoài đau bụng, người bệnh thường buồn nôn, nôn, chướng bụng, bí trung đại tiện.
Ở người bệnh viêm tụy cấp, nếu đau toàn ổ bụng cần cẩn trọng do có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng, dịch tụy đang lan tỏa khắp khoang phúc mạc. Bệnh có nhiều biến chứng với tiên lượng nặng như suy tạng. Trường hợp chảy máu từ tụy có thể đe dọa tính mạng ngay trong những ngày đầu bị bệnh.
Đau quặn tại nhiều vị trí, mức độ tăng dần kèm sốt
Đau bụng vùng thượng vị, xung quanh rốn, sau đó lan xuống hố chậu phải (bụng dưới bên phải) hoặc đau vùng hố chậu phải ngay từ đầu với cơn khởi phát nhẹ, sau đó dần tiến triển thành cơn đau dữ dội trong vài giờ. Đau nhiều khi cử động, đi lại, ho có thể là triệu chứng của viêm ruột thừa. Một số trường hợp người bệnh viêm ruột thừa có đau bụng kèm sốt, nôn, tiêu chảy... Bụng thường co cứng và đau khi chạm vào.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng viêm và nhiễm trùng lan rộng đến thành ruột thừa, tăng nguy cơ vỡ ruột thừa. Lúc này, dịch viêm (mủ), phân tràn ra ổ bụng, nguy cơ gây viêm phúc mạc và nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.
Theo Tiến sĩ Khanh, không thể đoán trước được khi nào ruột thừa viêm cấp tính sẽ vỡ mủ. Thông thường ruột thừa có thể vỡ sau 24 giờ, một số trường hợp vỡ sau 12 giờ hoặc chỉ sau 6 giờ kể từ lúc khởi phát cơn đau.
Đau dữ dội vùng thượng vị
Cơn đau dạng này đôi khi khiến bệnh nhân không dám thở, có thể là thủng tạng rỗng do loét dạ dày hoặc hành tá tràng. Bệnh thường gặp ở những người có tiền sử loét dạ dày hoặc hành tá tràng. Tiến sĩ Khanh dẫn một số nghiên cứu cho thấy khoảng 20% loét dạ dày hành tá tràng không có triệu chứng đau (còn gọi là ổ loét câm).
Đau âm ỉ mạn sườn phải kèm vàng da và mắt
Đau bụng, vàng da và mắt có thể là dấu hiệu các bệnh về gan. Ngoài ra, khi túi mật bị viêm, sỏi mật chặn ống dẫn mật đến ruột non khiến túi mật phình to cũng gây đau bụng, vàng da và mắt, phân bạc màu. Những cơn đau khó chịu thường xuất hiện quanh rốn hoặc vùng hạ sườn phải, sau lan rộng sang lưng và vai bên phải. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, nhất là sau khi ăn thực phẩm nhiều chất béo. Khi có nhiễm trùng đường mật, viêm túi mật, người bệnh có thể đau quặn mật, vã mồ hôi, sốt, ớn lạnh.
Một số trường hợp sỏi mật hình thành từ túi mật di chuyển vào ống mật chủ. Lúc này, cường độ đau tăng lên, cơn đau quặn thắt kéo dài từ 15 phút đến vài giờ theo chu kỳ khiến việc di chuyển khó khăn. Bệnh dễ gây biến chứng hơn so với sỏi tại các vị trí khác trong đường mật. Người bệnh có thể bị nhiễm trùng đường mật, viêm gan, áp xe gan, xơ gan... Trong đó, nhiễm trùng huyết là biến chứng cần được cấp cứu vì có thể đe dọa tính mạng.
Cũng có khi sỏi mật nằm trong các nhánh đường mật trong gan, gây các triệu chứng đau hạ sườn phải, sốt, vàng da. Người bệnh sỏi mật có các dấu hiệu này cần nhập viện sớm để được phẫu thuật nội soi lấy sỏi.
Đau bụng kèm nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc lẫn máu tươi
Đây là dấu hiệu điển hình của xuất huyết tiêu hóa. Phần lớn nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa bắt nguồn từ những bệnh mạn tính ở dạ dày, thực quản và đường ruột như viêm loét dạ dày tá tràng, dị dạng mạch máu ruột non, bệnh túi thừa, trĩ, ung thư đường tiêu hóa... Đau bụng kèm nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc lẫn máu tươi là tình trạng nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu không kịp thời điều trị. Người bệnh có thể bị thiếu máu cấp, trụy tim mạch.
Đau quặn kèm chướng bụng, bí trung đại tiện
Đau quặn bụng, đôi khi co thắt ở vùng thượng vị hay quanh rốn kèm chướng bụng; bí trung đại tiện; buồn nôn hoặc nôn ra thức ăn, nước mật, dịch tiêu hóa hoặc phân là dấu hiệu tắc nghẽn ống tiêu hóa. Cơn đau thường bắt đầu đột ngột, diễn tiến từng cơn. Nếu tắc bán ruột, bệnh nhân có thể đỡ đau sau xì hơi hoặc đại tiện. Nếu tắc ruột hoàn toàn, người bệnh nôn liên tục, không thể xì hơi hay đại tiện, bụng chướng căng, gõ vang.
Tắc ruột do nhiều nguyên nhân như dính ruột, xoắn ruột, lao ruột, lồng ruột, thiếu máu cục bộ ruột, khối u và các tình trạng viêm. Bệnh cần được phát hiện sớm và can thiệp đúng lúc để tránh biến chứng nguy hiểm như viêm đường ruột, tắc ruột do bã thức ăn, xoắn ruột gây hoại tử, u đường tiêu hóa.
Đau bụng kèm rối loạn tiêu hóa dài ngày
Đau bụng kèm khó nuốt, đầy hơi khó tiêu, ợ nóng, nôn hay buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, giảm cân không chủ ý... kéo dài có thể là dấu hiệu của triệu chứng viêm hoặc ung thư đường tiêu hóa (đại trực tràng, bệnh ruột non, gan, tụy). Nguy cơ mắc ung thư vùng bụng ở nam nhiều hơn nữ giới, nhất là khi tuổi càng cao. Tiến sĩ khanh cho biết, biểu hiện đau bụng có thể làm tăng nguy cơ ung thư gần gấp 4 lần ở nam giới từ 70 tuổi.
Cường độ cơn đau không phản ánh sự trầm trọng của nguyên nhân gây đau. Đau bụng dữ dội đôi khi do tình trạng nhẹ như ngộ độc thức ăn. Ngược lại, đau ít hoặc không đau có thể là biểu hiện của những tình trạng nặng như ung thư đại tràng, viêm ruột thừa giai đoạn sớm.... Người bệnh không nên chủ quan, tự ý bắt bệnh và uống thuốc mà cần nhập viện sớm để được thăm khám.
Trịnh Mai