BS.CKII Nguyễn Quốc Thái (Trưởng khoa Khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, thành của ống tiêu hóa có nhiều lớp, nếu phát hiện khối u sớm, bác sĩ có thể can thiệp bằng cách nội soi và cắt tổn thương bằng phương pháp nội soi đường tiêu hóa. Đây là phương pháp ít xâm lấn nhưng hiệu quả tương tự như phương pháp phẫu thuật.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện nội soi đường tiêu hóa, người bệnh vẫn cần thực hiện đánh giá toàn diện bao gồm giai đoạn bệnh, có tình trạng di căn xa hay di căn hạch hay không bằng những phương tiện hỗ trợ như chụp CT scan... Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, người bệnh thường chưa có triệu chứng, chỉ có thể phát hiện qua tầm soát ung thư đường tiêu hóa.
Trường hợp người bệnh phát hiện ung thư ở giai đoạn trễ, khối u đã ăn sâu vào các lớp sâu hơn của đường tiêu hóa, các cơ quan xung quanh thì cần phải phẫu thuật triệt căn nhất có thể. Mục đích là cắt bỏ hoàn toàn khối u, đảm bảo bờ cắt không còn tế bào ung thư và lấy đi những hạch vùng di căn.
Ngoài phẫu thuật, các liệu pháp hỗ trợ toàn thân (hóa trị), hỗ trợ tại chỗ (xạ trị) cũng được áp dụng trong điều trị. Trước khi thực hiện các phương pháp này, người bệnh cần được đánh giá giai đoạn bệnh. Nếu ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể điều trị nội soi hoặc phẫu thuật. Giai đoạn tiến triển hơn, khi khối u đã xâm lấn qua nhiều lớp của thành ruột hay u di căn hạch thì cần hỗ trợ bằng hóa trị và xạ trị.
Tùy vào tình huống, bác sĩ sẽ áp dụng hóa trị hay xạ trị vào thời điểm trước hoặc sau mổ. Xạ trị trước mổ có thể diệt các tế bào u di căn trong hạch. Nếu u phát triển lớn và phẫu thuật ngay có thể chưa lấy trọn được khối u thì cũng cần tiến hành xạ trị để u nhỏ lại. Bên cạnh đó, hóa trị và xạ trị sau mổ cũng giúp hạn chế nguy cơ tái phát tại chỗ hoặc toàn thân.
Theo bác sĩ Quốc Thái, để phát hiện sớm và ngăn ngừa ung thư đường tiêu hóa tiến triển, người bệnh nên tầm soát ung thư đường tiêu hóa bằng phương pháp một bước hoặc hai bước, trong đó nội soi là phương pháp một bước. Nội soi có thể giúp phát hiện và loại bỏ các polyp trước khi phát triển thành ác tính hoặc các khối u ác tính nhỏ, chưa xâm lấn, di căn.
Nội soi cũng là phương pháp tầm soát ung thư tiêu hóa duy nhất vừa có thể phát hiện, vừa xử trí polyp (cắt hoặc sinh thiết). Ngoài nội soi, một số phương pháp xét nghiệm khác như xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, tìm DNA trong phân, chụp cắt lớp vi tính đại tràng, chụp X-quang dạ dày cản quang cũng có thể được chỉ định. Tuy nhiên khi dùng các phương pháp này mà phát hiện bất thường, bác sĩ vẫn phải dùng nội soi để khẳng định bệnh (2 bước).
Nhóm người có nguy cơ trung bình được khuyến cáo tầm soát ung thư thực quản, dạ dày ở độ tuổi 40-45 tuổi, đại trực tràng là 50 tuổi. Sau lần tầm soát đầu tiên, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả cùng với bệnh sử cá nhân, gia đình để đưa lời khuyên về thời điểm tầm soát kế tiếp. Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày, đại tràng nên tư vấn trực tiếp với bác sĩ.
Trang Hoàng