Tắc ruột nếu không điều trị sớm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng máu, hoại tử ruột, thủng ruột, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Ruột non có chức năng tiêu hóa thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng. Ruột già tiếp tục hỗ trợ quá trình tiêu hóa, tổng hợp vitamin, hấp thụ nước và phân hủy bilirubin. Tắc ruột xảy ra khi thức ăn hoặc phân không thể di chuyển qua ruột gây tắc một phần hoặc hoàn toàn.
Tắc ruột có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như viêm ruột, bệnh Crohn, xoắn ruột, ung thư ruột... Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo, kịp thời đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân giúp điều trị phù hợp.
Tắc ruột non
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, thức ăn, dịch vị tiêu hóa bị tắc nghẽn, không lưu thông dẫn đến tắc ruột non. Tình trạng nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già. Khi bị tắc ruột non, người bệnh thường có triệu chứng khởi phát là đau quặn bụng tập trung quanh rốn hoặc vùng thượng vị, bụng chướng.
Người bệnh tắc ruột khi trở nặng có thể xuất hiện cơn đau dữ dội, dồn dập kèm chuột rút do nhu động ruột hoạt động với cường độ cao, đôi khi có thể sờ thấy các quai ruột giãn. Nôn mửa là triệu chứng thường xảy ra muộn ở người bị tắc ruột non. Nhiều trường hợp tắc ruột non có biểu hiện bụng trở nên mềm đột ngột. Nếu tình trạng này không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến ứ dịch trong ruột gây mất nước, rối loạn điện giải.
Tắc ruột già
Khi bị tắc ruột già, người bệnh thường có triệu chứng nhẹ hơn và tiến triển chậm so với các triệu chứng do tắc ruột non. Tình trạng dễ nhận biết là táo bón ngày càng nặng kèm chướng bụng. Buồn nôn, nôn vài giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu nhưng không phổ biến.
Người bệnh đau quặn bụng dưới do không thải được phân ra ngoài. Khi thăm khám, bác sĩ thường thấy bụng chướng, không đau, trực tràng rỗng, có thể sờ thấy một khối tương ứng với vị trí khối u gây tắc nghẽn. Khi bệnh trở nặng, các cơn đau diễn ra liên tục, đôi khi có những cơn đau quặn từng cơn. Các triệu chứng toàn thân lúc đầu chưa rõ.
Dựa vào các triệu chứng của người bệnh, bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp chẩn đoán như X-quang ổ bụng, chụp CT, cộng hưởng từ... để chẩn đoán vị trí ruột bị tắc, xác định nguyên nhân gây tổn thương, viêm nhiễm để đưa ra phương pháp điều trị. Khi gặp các triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn mửa, không thể đi đại tiện, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Tiến sĩ Khanh cho biết thêm, hầu hết tình trạng tắc ruột một phần sẽ tự cải thiện. Bác sĩ hướng dẫn chế độ ăn uống và sinh hoạt giúp đường ruột hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, tắc ruột toàn phần cần chẩn đoán kịp thời để cải thiện tỷ lệ biến chứng và tử vong. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào loại và nguyên nhân, tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe và các yếu tố nguy cơ. Nhiều người bị tắc ruột đã lớn tuổi và có thể mắc các bệnh lý nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng cần đến bệnh viện điều trị sớm.
Lục Bảo