Bé Vũ Gia Nguyên (6 tuổi, Lạng Sơn) nôn nhiều dịch màu đen vào buổi sáng, kèm đau âm ỉ vùng bụng phía trên. Các cơn đau tăng lên khi ăn nên bé có cảm giác chán ăn, nhanh no. Sau một tuần, gia đình đưa bé đến khám tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cuối tháng 10.
Êkip bác sĩ nội soi thấy trong dạ dày của bé có hai khối bã thức ăn cứng chắc, khá lớn khoảng hơn 4 cm. Góc bờ cong dạ dày có ổ loét kích thước 12-16 mm có thể do bã thức ăn gây nên. Bác sĩ chỉ định điều trị thuốc cho bé để cải thiện các triệu chứng. Sau một tuần, bệnh nhi được nội soi lấy bã thức ăn trong dạ dày.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật -Tụy cho biết, do bệnh nhi 6 tuổi, thời gian lấy bã thức ăn có thể kéo dài nên quá trình gây mê cần đảm bảo không gây biến chứng khi thực hiện thủ thuật. Đường thực quản của trẻ cũng nhỏ hơn người trưởng thành. Khi thực hiện nội soi, bã thức ăn có thể rơi vào đường thở nếu người thực hiện kỹ thuật chưa thành thạo, dễ dẫn đến suy hô hấp.
![Hình ảnh khối bã thức ăn lớn được tán nhỏ và cho vào rọ (bên trái) và dạ dày đã hết bã thức ăn sau khi được lấy ra (bên phải).](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/02/-2382-1667360283.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LOblShU9MKXZFwnOnWBgCg)
Hình ảnh khối bã thức ăn lớn được tán nhỏ và cho vào rọ (bên trái) và dạ dày đã hết bã thức ăn sau khi được lấy ra (bên phải).
Bác sĩ tán nhỏ bã thức ăn, cho vào rọ và lấy ra qua đường miệng. Dây nội soi ống mềm với đường kính chỉ 5,9 mm giúp bệnh nhi tránh bị tổn thương niêm mạc vùng hầu họng và thực quản, không gây cảm giác đau rát sau nội soi.
Qua khai thác bệnh sử, cháu bé có sức khỏe tốt. Vì thích ăn hồng và đang vào mùa, bé ăn liên tục trong vài ngày. Lượng nhựa từ quả hồng gây kết dính thức ăn khó tiêu tạo thành khối. Bã thức ăn cứng chắc trong dạ dày do ăn uống nên có thể tái phát. Nếu không điều trị kịp thời dẫn đến loét dạ dày nặng gây đau bụng, chán ăn, suy giảm sức khỏe. Bệnh kéo dài gây loét đa ổ, chảy máu dạ dày do loét, biến chứng nặng có thể gây tắc ruột.
![Bác sĩ, tiến sĩ Vũ Trường Khanh đang thực hiện nội soi cho người bệnh.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/02/-6512-1667360283.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ozfDUKtThBZZE2WbIczkfQ)
Bác sĩ, tiến sĩ Vũ Trường Khanh đang thực hiện nội soi cho người bệnh.
Tiến sĩ Khanh khuyên, vào thời điểm mùa thu, hồng chín nhiều. Đây là loại quả được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, người bị tiêu chảy, cơ thể suy nhược, phụ nữ sau sinh hay người có chức năng tiêu hóa kém hoặc chưa hoàn thiện như trẻ nhỏ cần hạn chế ăn hồng, nhất là không nên ăn lúc đói. Trong quả hồng chứa nhiều tanin và pectin khiến những chất này kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày. Khối kết tụ không xuống được ruột non lưu lại trong dạ dày và hình thành sỏi. Khi sỏi không được đào thải theo đường tự nhiên gây tắc nghẽn đường tiêu hóa. Bên cạnh trẻ nhỏ, người bệnh đái tháo đường cũng cần hạn chế ăn hồng. Loại quả này chứa 10,8% carbohydrate khiến đường huyết tăng cao sau ăn.
Những người sau khi ăn hồng, nếu xuất hiện các triệu chứng đau quặn bụng, đau âm ỉ nhiều ngày kèm nôn mửa, nôn ra máu cần đến bệnh viện để thăm khám và can thiệp kịp thời.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Lục Bảo
(Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)