Tắc ruột có thể cản trở đi vệ sinh và loại bỏ khí, thường xảy ra ở người bệnh ung thư đại trực tràng hoặc bệnh viêm ruột. Bệnh điều trị được nhưng có thể đe dọa tính mạng nếu không kịp chữa trị, làm tắc hoàn toàn đại tràng. Các yếu tố nguy cơ phổ biến phát triển tình trạng tắc ruột như sau:
Bệnh viêm ruột (bệnh Crohn): Đây là một bệnh viêm ruột mạn tính thường ảnh hưởng đến đoạn xa của hồi tràng và ruột kết nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa. Triệu chứng gồm tiêu chảy và đau bụng; áp xe, rò trong ngoài ruột và tắc ruột có thể phát sinh.
Dính ruột vào thành bụng: Dính trong ổ bụng là hiện tượng dính ruột vào thành bụng, dính các tạng do các mô sẹo hình thành, dẫn đến tắc ruột. Tình trạng này có thể xảy ra bên trong ruột hoặc tử cung, giữa các bề mặt của các tạng và phúc mạc. Các dải mô sẹo đôi khi hình thành sau phẫu thuật ruột.
Thoát vị: Tình trạng các tạng đi ra khỏi vị trí thông thường của nó qua các điểm yếu tự nhiên của cơ thể. Thoát vị xảy ra khi các cơ quan đẩy qua các vùng cơ yếu xung quanh các khoang cơ thể nơi chúng nằm. Bệnh thường xuất hiện ở bụng, ngực và bẹn gây hẹp và tắc ruột. Bệnh có thể xuất hiện ở những nơi khác trên cơ thể, nhất là ở những vùng có sẹo do phẫu thuật. Thoát vị có thể là bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải trong đời.
Ung thư ruột già: Khi các khối u hình thành trong ruột già sẽ gây nên tình trạng hẹp hoặc tắc ruột. Bệnh gây khó khăn và cản trở đi vệ sinh, loại bỏ chất thải rắn.
Viêm túi thừa: Các túi trong ruột bị viêm và sưng tấy lên cũng là nguyên nhân khiến bạn bị tắc nghẽn ruột.
Xoắn ruột: Bệnh thường do dị tật bẩm sinh, phổ biến ở trẻ sơ sinh mắc chứng rối loạn đường ruột nhưng đôi khi do tuổi tác hoặc bệnh lý khác. Ruột bị gấp và xoắn lại, xảy ra ở phần manh tràng và đại tràng sigma. Tình trạng xoắn có thể cắt đứt nguồn cung cấp máu của mô, dẫn đến các triệu chứng như đau đớn tột độ, phân có máu và tắc ruột. Xoắn ruột có thể dẫn đến thủng ruột và hoại tử hoặc chết mô, nguy hiểm tính mạng. Người tuổi từ 50-80 có bệnh mạn tính có nhiều nguy cơ mắc bệnh này hơn.
Các triệu chứng của hẹp, tắc ruột tương tự như nhiều vấn đề tiêu hóa khác như đau bụng hoặc sưng tấy bụng, chuột rút ở bụng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, ăn mất ngon... Tắc ruột có thể gây viêm ruột khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh đại tràng cao hơn. Biến chứng nặng hơn là sự thắt chặt ruột kết có thể cắt đứt nguồn cung cấp máu cho ruột, làm cho mô yếu đi và dẫn đến vỡ thành ruột (thủng ruột). Thủng ruột có thể dẫn đến nhiễm trùng, viêm phúc mạc, đe dọa tính mạng.
Nếu có các triệu chứng nghi ngờ, mọi người nên đi kiểm tra hình ảnh (siêm âm, chụp X-quang) để chẩn đoán tình trạng ruột và điều trị kịp thời. Tùy vào nguyên nhân và sự ảnh hưởng tiêu hóa mà bác sĩ có phương pháp thích hợp như chế độ ăn ít chất xơ nếu tắc nghẽn chỉ chặn một phần ruột kết, dùng thuốc. Nếu chế độ ăn uống không giúp cải thiện, người bệnh có thể phải phẫu thuật mở rộng vùng bị hẹp hoặc cắt bỏ ruột kết.
Viêm ruột hoặc một tình trạng đường tiêu hóa khác gây nguy cơ cao bị hẹp hoặc tắc ruột kết. Người bệnh nên bổ sung nhiều loại rau và trái cây, khoai tây, bánh mì trắng, thịt mềm và cá; tránh thực phẩm giàu chất xơ, thịt dai, quả hạch và hạt. Theo dõi thói quen đi vệ sinh và nếu bị táo bón, đầy hơi hoặc không thể đi tiêu, đi tiểu thì nên đi khám bệnh.
Mai Cát
(Theo Very Well Health)