Glucose (đường) là chất dinh dưỡng quan trọng nhất cung cấp năng lượng cho cơ thể. Thông thường, cơ thể sử dụng hormone insulin để vận chuyển glucose từ máu vào tế bào, góp phần giảm lượng glucose trong máu, cung cấp năng lượng cho tế bào.
Tăng đường huyết là tình trạng nồng độ glucose trong máu cao hơn bình thường. Ai cũng có thể bị tăng đường huyết nhưng phổ biến hơn ở người bệnh tiểu đường.
ThS.BS.CKI Đỗ Trúc Anh, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ tiểu đường trở nặng, biến chứng. Triệu chứng tăng đường huyết xuất hiện dần dần, khi lượng đường quá cao, người bệnh thường xuyên khát, khô miệng, đi tiểu nhiều, yếu người, mờ mắt, đói.
Lượng đường trong máu cao kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, giảm cân, nhiễm nấm âm đạo, nhiễm trùng da, vết thương chậm lành. Khi xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh nên đến bệnh viện để khám và điều trị, phòng ngừa các biến chứng.
Trường hợp lượng đường trong máu tăng nhưng không được điều trị, kiểm soát kịp thời có thể tiến triển thành nhiễm toan ceton (biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường). Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể hôn mê hoặc tử vong. Các triệu chứng của nhiễm toan ceton bao gồm buồn nôn và ói mửa, mất nước, đau bụng, hơi thở có mùi trái cây, thở gấp, tim đập nhanh, lú lẫn, mất ý thức.
Theo bác sĩ Trúc Anh, tình trạng nhiễm toan ceton phổ biến ở người bệnh tiểu đường type 1 chưa được chẩn đoán.
Tăng đường huyết có thể liên quan đến một số loại thuốc như corticoid, thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn thần, bệnh tuyến tụy, hội chứng Cushing, bệnh to đầu chi, thai kỳ, stress.
Người có thể trạng béo phì hoặc thừa cân, tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2, tiền sử mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, tiền tiểu đường dễ gặp tình trạng này hơn.
Bác sĩ Trúc Anh lưu ý tăng đường huyết thoáng qua, trong thời gian ngắn không ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng như tổn thương lên mạch máu nhỏ, mạch máu lớn, thần kinh. Người bệnh đối diện với biến chứng như suy thận mạn, bệnh tim mạch, bệnh mắt do tiểu đường (tổn thương võng mạc, phù hoàng điểm) biến chứng bàn chân tiểu đường dẫn đến cắt cụt chi, nhiễm trùng da khó lành dễ gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng.
Bác sĩ Trúc Anh khuyến cáo mọi người nên phòng đường huyết cao bằng cách không tự mua thuốc uống, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, hạn chế ăn nhiều tinh bột đường từ cơm, bánh mì, bún, khoai lang, khoai tây, bánh ngọt, nước ngọt, kem... Hạn chế thực phẩm chiên rán, nhiều chất béo bão hòa, tập thể dục hàng ngày ít nhất 30 phút, tránh thừa cân béo phì, không thức khuya.
Người bị tiểu đường cần có chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp, không tự ý đổi thuốc, bỏ điều trị, tái khám định kỳ để bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường theo dõi hiệu quả điều trị.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |