Búi trĩ thường lòi ra ngoài, sa xuống khu vực hậu môn mỗi khi đi đại tiện hoặc vận động mạnh. Tình trạng này khiến người bệnh đau, khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý và giảm chất lượng sống.
Theo bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), sa búi trĩ thường xuất hiện ở giai đoạn 2, có thể gặp ở cả trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Tình trạng này có thể nghiêm trọng nếu không kịp thời can thiệp và xử lý đúng cách. Dưới đây là những biến chứng nguy hiểm thường gặp của sa búi trĩ.
Tắc tĩnh mạch
Búi trĩ phát triển đến kích thước lớn và sa xuống hậu môn có thể chèn ép các mạch máu, làm cản trở quá trình lưu thông máu của các tế bào niêm mạc hậu môn. Các mạch máu của búi trĩ sa bị vỡ, chảy máu, hình thành các cục máu đông. Tắc mạch trĩ ngoại gây cảm giác đau tự nhiên. Khi bạn sờ vào hoặc vận động có thể thấy vùng rìa hậu môn có khối phồng nhỏ màu xanh.
Tắc mạch trĩ nội có cảm giác đau và cộm ở sâu bên trong hậu môn, tuy nhiên, triệu chứng không rầm rộ như trĩ ngoại. Tình trạng tắc tĩnh mạch kéo dài có thể làm viêm tấy nhiễm khuẩn quanh hậu môn và dễ trở thành nhiễm khuẩn huyết.
Nghẹt búi trĩ
Búi trĩ nội sa ra ngoài ngày càng phình to đến khi không thể đưa trở lại vào trong hậu môn có thể gây tắc nghẽn. Nghẹt búi trĩ không chỉ khiến đau rất nhiều, khó chịu mà còn ảnh hưởng đến cơ chế bài tiết và đào thải phân, làm cho bệnh nhân nhịn đại tiện, dẫn đến táo bón. Táo bón lại làm cho bệnh trĩ nặng hơn.
Hoại tử búi trĩ
Khi bị sa trĩ, vùng hậu môn luôn trong tình trạng ẩm ướt do dịch nhầy tiết ra nhiều. Đây là môi trường thuận lợi để các vi khuẩn xâm nhập, sinh sôi và phát triển, gây viêm nhiễm hậu môn và tăng nguy cơ hoại tử. Nếu búi trĩ sưng to, chuyển màu xám đen hoặc nâu đỏ khả năng cao là dấu hiệu của hoại tử.
Viêm da
Vùng da giữa các búi trĩ thường xuyên ẩm ướt nên dễ bị hăm, loét. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến viêm da quanh hậu môn hoặc viêm khe. Lúc này, người bệnh thường thấy ngứa ngáy, nóng rát khó chịu, gây mất tự tin và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Gây mất máu
Búi trĩ sưng tấy khiến người bệnh chảy máu mỗi khi đại tiện, mất máu. Nếu búi trĩ lớn, vỡ tĩnh mạch hậu môn có thể gây chảy máu nghiêm trọng. Người bệnh thường có cảm giác chóng mặt, tụt huyết áp, choáng váng, cơ thể mệt mỏi, suy nhược... Tuy nhiên, những trường hợp mất máu nặng không nhiều.
Nhiễm trùng máu
Biến chứng nguy hiểm nhất là nhiễm trùng máu. Búi trĩ sưng to, căng phồng rất dễ bị tổn thương hoặc áp xe hậu môn. Các loại vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu thông qua các vết nứt, rách, dẫn đến nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng.
Tiến sĩ Khanh cho hay, nhiều người bệnh có thói quen dùng tay nhét lại búi trĩ vào bên trong hậu môn để giảm cảm giác lộm cộm, khó chịu khi sinh hoạt. Cách làm này có thể áp dụng khi sa trĩ ở mức độ nhẹ, búi trĩ vẫn tự co lại được, không sưng đau hay chảy máu. Nó chỉ có tác dụng hỗ trợ búi trĩ bớt sa ra ngoài chứ không giúp phục hồi. Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo tay sát khuẩn sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Khi sa búi trĩ ở giai đoạn nặng, biện pháp này có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Người bệnh vẫn cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, theo dõi và điều trị, tránh gặp các biến chứng.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị sa búi trĩ. Thông thường người bệnh có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, giảm cân ở người béo phì, hạn chế thói quen làm tăng áp lực vùng trực tràng như ngồi nhiều, rặn mạnh khi đại tiện... Nếu điều trị tại nhà không hiệu quả, búi trĩ sa ra ngoài gây chảy máu và đau đớn thường xuyên, người bệnh cần được can thiệp y khoa theo chỉ định của bác sĩ như sử dụng thuốc, làm thủ thuật hoặc phẫu thuật.
Trịnh Mai