Bất thường ở dáng đi có thể do các vấn đề về cơ xương khớp như vòm bàn chân bất thường, chấn thương do vận động quá mức như viêm cân gan chân hoặc cơ không đồng đều khiến một bên cơ thể nghiêng về bên kia. Ngoài ra, một vết thương cũ không điều trị đúng cách có thể ảnh hưởng đến dáng đi vì các mô sẹo bên trong hạn chế phạm vi chuyển động ở bàn chân, đầu gối hoặc hông. Dưới đây là những dáng đi bất thường cần lưu ý.
Đi khập khiễng
Đi khập khiễng xuất phát từ cơn đau đầu gối đã lâu ngày nhưng không được điều trị. Kiểu di chuyển này khiến người bệnh cảm thấy thoải mái vì không phải dồn trọng lượng lên chân bị thương quá nhiều, giảm đau. Tuy nhiên, dáng đi này có thể tạo áp lực lên chân còn lại và gây căng thẳng cho các cơ xung quanh lưng, hông. Theo thời gian, sự hao mòn này có thể dẫn đến nguy cơ mắc thêm các vấn đề về khớp, nhất là viêm xương khớp.
Đi bộ chậm hơn bình thường
Tốc độ đi bộ chậm hơn có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe khớp gối kém. Theo Quỹ Viêm khớp Mỹ, người bị viêm khớp gối đi bộ ít hơn 10,8 bước mỗi phút so với những người khỏe mạnh; người bị viêm khớp hông đi bộ ít hơn 9,8 bước.
Các nhà khoa học lý giải người bị đau khớp thường rút ngắn các bước chân để giảm cơn đau đầu gối nhờ hạn chế phạm vi chuyển động của khớp bị chấn thương. Về lâu dài, tốc độ đi bộ chậm có thể gây ra những thay đổi về dáng đi, cản trở khả năng vận động, làm tăng cơn đau.
Đi lảo đảo
Dáng đi lảo đảo, loạng choạng thường gặp ở người bị ảnh hưởng bởi tình trạng tê liệt, yếu vùng cơ mông hoặc viêm khớp xương háng. Nếu duy trì trong thời gian dài, phần thân trên có thể giật về phía trước hoặc phía sau để bớt trọng lượng lên chân bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, dáng đi không vững còn có thể làm tăng nguy cơ té ngã và chấn thương.
Đi nghiêng về một bên
Thói quen xoay ngực và vai cho khớp với hông khi đi dạo là dấu hiệu của tình trạng căng cơ hoặc thoát vị đĩa đệm lưng dưới. Nếu bước nhanh, cánh tay lắc lư theo chân thay vì đối diện với chân còn lại.
Dáng đi vặn vẹo, không vững
Kiểu di chuyển hay lắc lư với ngón chân hướng vào trong có thể là biểu hiện của bệnh đa xơ cứng. Ngoài ra, đầu gối của người bệnh có thể bắt chéo, với hai chân hơi cong vào trong khi di chuyển hoặc mất cảm giác ở bàn chân, khiến họ khó phân biệt được sàn nhà hay mặt đường. Theo các chuyên gia y tế, đây là dáng đi dễ xảy ra rủi ro té ngã vì mất thăng bằng.
Theo Healthline, những bất thường về khả năng đi lại có thể biến mất khi tình trạng sức khỏe được điều trị. Bên cạnh dùng thuốc giúp cải thiện các triệu chứng, người bệnh có thể tập vật lý trị liệu để tăng cường cơ bắp và điều chỉnh dáng đi theo hướng dẫn của bác sĩ.
Dáng đi bất thường do bẩm sinh không thể phòng ngừa nhưng rủi ro vì chấn thương có thể phòng tránh bằng cách đi giày dép phù hợp khi chơi thể thao, chạy bộ, ngồi đứng đúng tư thế.
Huyền My (Theo WebMD, The Healthy, Cleveland Clinic)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |