Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Ngọc Hân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Bắp chân có chức năng chính là thực hiện các vận động đi lại, chạy nhảy, kiễng chân... Trong đó, hai nhóm cơ lớn của bắp chân là cơ bụng chân và cơ dép, chịu trách nhiệm thực hiện các chuyển động gấp, duỗi giữa bàn chân, cẳng chân.
Căng cơ bắp chân xảy ra khi các bó cơ này bị rách do hoạt động quá sức. Ở mức độ nặng, triệu chứng căng cơ bắp chân có thể lan rộng đến bàn chân, mắt cá chân, thậm chí là khớp gối, khiến người bệnh không thể hoạt động, đi lại bình thường.
Căng bắp chân là tình trạng mà ai cũng gặp ít nhất một lần trong đời. Người bệnh có thể cảm thấy căng tức, nhức mỏi ở bắp chân lập tức hoặc một ngày sau khi vận động chân mạnh và liên tục, đi bộ, chạy bộ đường dài... Tình trạng thường xảy ra ở người chơi các môn như chạy bộ, cầu lông, bóng đá... Nam giới 30-50 tuổi có nguy cơ mắc cao hơn.
Có ba mức độ căng cơ bắp chân, tương ứng với độ nghiêm trọng của tổn thương bó cơ.
Mức độ một: Căng cơ bắp chân xảy ra khi các bó cơ xuất hiện những vết rách nhỏ, triệu chứng đau nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh hoạt. Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, bất động trong 3-4 tuần thì bệnh cải thiện.
Mức độ hai: Người bệnh đau khi đi bộ, chạy nhảy, kiễng chân... vùng bắp chân sưng to, cần nghỉ ngơi, bất động hoàn toàn khoảng 3-4 tháng.
Mức độ ba: Xảy ra khi các sợi cơ rách nặng hoặc đứt hoàn toàn. Người bệnh bị mất khả năng đi lại, kèm theo là các triệu chứng co bó cơ và bầm tím khắp bắp chân, phải phẫu thuật sửa chữa lại các bó cơ bị tổn thương.
Đa số trường hợp căng bắp chân không nguy hiểm nhưng nếu xảy ra thường xuyên và không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về sức khỏe.
Đây là dấu hiệu cảnh báo các bó cơ bắp chân đã bị tổn thương, chưa được hồi phục hoàn toàn hoặc biểu hiện của một số bệnh lý thường gặp dưới đây.
Huyết khối tĩnh mạch sâu: Là tình trạng xuất hiện cục máu đông tại tĩnh mạch sâu, cản trở lưu thông của máu. Lâu ngày, cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển lên phổi, gây thuyên tắc mạch phổi, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Đặc thù của tĩnh mạch chi dưới là có van để điều chỉnh dòng máu về nhịp nhàng theo nhịp đập của tim. Khi có huyết khối tĩnh mạch chi dưới, dòng máu ngoại vi bị cản trở không trở về tim được, gây ra triệu chứng căng đau ở vùng bắp chân.
Chấn thương gân gót achilles: Triệu chứng thường gặp là đau cứng bắp chân vào buổi sáng, cảnh báo tình trạng rách một phần hoặc rách gân hoàn toàn. Chấn thương này nếu không điều trị đúng cách để lâu gây viêm gân, xơ hóa những điểm rách gân, dẫn đến những cơn đau dai dẳng, hạn chế vận động hàng ngày. Lâu dần, gân và xương gót xuất hiện những gai xương hoặc các nốt vôi hóa trong gân.
Người bị căng cơ bắp chân cần tạm dừng mọi hoạt động ngay lập tức, để chân nghỉ ngơi hoàn toàn. Thực hiện phương pháp RICE để làm giảm cơn đau theo các bước R (rest) - nghỉ ngơi, I (ice) - chườm lạnh, C (compression) - băng ép, E (elevation) - kê cao chân. Các động tác giãn cơ bắp chân cũng giúp giảm đau do căng cơ hiệu quả, tăng cường độ linh hoạt và sức mạnh của các nhóm cơ bắp chân.
Bác sĩ Hân khuyến cáo nếu các biện pháp chăm sóc tại nhà không phát huy hiệu quả hoặc tình trạng căng cơ bắp chân thường xuyên diễn ra trong thời gian dài, người bệnh cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán bệnh lý chính xác, điều trị kịp thời.
Hồng Phúc
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |