Ngày 4/4, TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi, đồng thời phối hợp bác sĩ các khoa tâm lý, dinh dưỡng, phục hồi chức năng nhằm cải thiện thể lực, trí tuệ cho người bệnh.
Người thân của bệnh nhân được hướng dẫn cách vỗ rung phòng ngừa viêm phổi tăng nặng, thực hiện các bài tập phòng chống té ngã cho người cao tuổi.
ThS.BS Phạm Văn Dương, chuyên khoa Tâm lý Tâm thần, cho biết điều trị bằng thuốc kết hợp chăm sóc đúng cách giúp ổn định và cải thiện hành vi cho cụ. Người bệnh dần trở lại nhịp sinh học thức vào ban ngày, ngủ dài vào ban đêm, tỉnh táo.
Sau khi thử phương pháp ăn đặc (tránh thực phẩm rơi vào khí quản gây sặc) thất bại, người bệnh ăn xông kết hợp nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Sau 5 ngày điều trị phối hợp đa chuyên khoa, da dẻ của cụ Hân hồng hào trở lại, tăng cân, hết viêm phổi, cải thiện nhận thức và giấc ngủ, ăn được.
Người cao tuổi dễ bị suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, ăn nói lẫn lộn khiến gia đình, người thân dần hạn chế giao tiếp. Người thân nên thường xuyên khuyến khích người cao tuổi đọc báo, xem tivi, chuyện trò cùng con cháu, tham gia các câu lạc bộ, ra ngoài đi dạo ngắm cảnh và tắm nắng. Nên ăn mềm, chia nhỏ các bữa và chọn phương pháp phù hợp. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ phòng ngừa sa sút trí tuệ.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo người cao tuổi tiêm vaccine phế cầu nhằm hạn chế mắc hoặc tránh biến chứng viêm phổi.
Thanh Ba