Ngày 20/12, BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết ông Nguyễn Văn Chánh bị lồng ruột. Lồng ruột ở trẻ em được xử trí tháo lồng vì thường là vô căn, còn đau phần lồng ruột ở người lớn thường do tổn thương thực thể hay khối u cần phẫu thuật.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT), nội soi đại tràng của người bệnh cho thấy lồng ruột do khối u đại tràng chậu hông, kích thước 5 cm, bịt kín lòng ruột. Ông Chánh được phẫu thuật nội soi, loại bỏ đoạn ruột có khối u.
Do ruột và mạc treo dính nhiều chỗ làm thay đổi cấu trúc giải phẫu nên quá trình phẫu thuật khó khăn. Sau khi cắt bỏ đoạn ruột có khối u ở đại tràng, trong quá trình làm miệng nối ruột kiểu bên - bên (kỹ thuật khâu nối nội soi) bác sĩ phát hiện có một polyp to ở cạnh chỗ mở ruột nên đồng thời cắt bỏ.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy polyp là ung thư tại chỗ (giai đoạn 0, tức tế bào ung thư mới hình thành ở lớp biểu mô - lớp trong cùng của thành đại tràng), còn khối u đại tràng là ung thư giai đoạn I (u xâm lấn tới lớp cơ, chưa di căn hạch hay di căn xa).
Ông Chánh mắc ung thư ở giai đoạn sớm, sau mổ triệt căn không cần hóa xạ trị, mà chỉ theo dõi sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng, xem tế bào ung thư có tái phát, di căn không và soi toàn bộ đại tràng để tìm tổn thương khác nếu có.
Sau phẫu thuật, ông hồi phục tốt, ăn uống và đi lại bình thường, không còn triệu chứng khó đi đại tiện.
Điều ê kíp lo lắng khi phẫu thuật cho người lớn tuổi là ngoài những nguy cơ biến chứng ngoại khoa, còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nội khoa có thể diễn tiến nặng, đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu... nhưng may mắn ông phục hồi rất tốt, bác sĩ Thái cho biết.
Ung thư đại tràng phổ biến ở cả hai giới. Theo bác sĩ Thái, khả năng chữa khỏi bệnh lên đến hơn 95% ở giai đoạn 0 và khoảng 90% nếu chữa bệnh ở giai đoạn I. Nguy cơ biến chứng tử vong cao nếu phát hiện ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, ung thư đại tràng giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, phát hiện nhờ tầm soát bệnh hoặc có dấu hiệu mơ hồ như đau bụng, khó chịu vùng bụng dưới, tiêu chảy, táo bón, cảm giác đi đại tiện không sạch, có máu hoặc đàm nhớt trong phân.
Một số yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh như di truyền, người trên 50 tuổi, viêm loét đại tràng, bệnh crohn, polyp đại tràng. Người có chế độ ăn nhiều thịt, mỡ động vật, ít chất xơ, thiếu vitamin hoặc thực phẩm có chứa nitrosamin như thịt ướp muối, thịt chế biến, ca cao, bia, rượu có nguy cơ mắc bệnh cao.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng khoa học. Nên bổ sung nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt; tránh các món nhiều dầu mỡ; bổ sung đầy đủ canxi và axit folic từ hoa quả có múi như cam, bưởi, quýt. Hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, thường xuyên vận động đều đặn, duy trì cân nặng hợp lý góp phần giảm nguy cơ ung thư.
Quyên Phan
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |