Ung thư đại tràng là một trong 5 bệnh ung thư hàng đầu trên thế giới và tại Việt Nam. Số người tử vong do bệnh này thường sau ung thư phổi, dạ dày, gan.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ung thư đại tràng tiến triển chậm và di căn muộn hơn, nên có tiên lượng tốt hơn so với các loại ung thư khác. Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Hiện, nội soi là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện sớm ung thư đại tràng và các tổn thương tiền ung thư.
Ung thư đại tràng thường gặp ở nam và nữ giới trên 45-50 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Theo Tiến sĩ Khanh, ngoài yếu tố tuổi tác và gene di truyền, những người bị viêm ruột, polyp đại tràng, hút thuốc... thuộc nhóm nguy cơ cao ung thư đại tràng.
Người bệnh viêm ruột, polyp đại tràng
Những trường hợp có polyp đại tràng, nhất là polyp có kích thước lớn hơn một cm, mắc bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng mạn tính, bệnh Crohn...) mà không được điều trị có nguy cơ cao ung thư đại tràng. Theo tiến sĩ Khanh, hầu hết polyp đại tràng là lành tính, không có nguy cơ ung thư như polyp tăng sản và polyp viêm. Tuy nhiên, trường hợp polyp u tuyến, polyp nhung mao, polyp có kích thước lớn có nguy cơ cao tiến triển ác tính sau nhiều năm.
Bác sĩ sẽ theo dõi, dùng kỹ thuật cắt hớt hoặc cắt tách niêm mạc nội soi đại tràng để lấy toàn bộ tổ chức nghi ngờ ung thư, ngăn ngừa tổn thương trở thành ác tính. Sau khi phát hiện polyp hoặc cắt polyp, người bệnh cần nội soi tầm soát định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh.
Hút thuốc lá
Người hút thuốc lá trong thời gian dài có nguy cơ ung thư đại tràng cao. Các nhà khoa học tại đại học Na Uy, Mỹ thực hiện nghiên cứu trên 188.000 người, độ tuổi 45-75 (45% nam giới), trong gần 17 năm. Nghiên cứu được đăng trên thư viện Y khoa Mỹ cho thấy nam giới hút thuốc có nguy cơ ung thư đại tràng trái cao hơn 39% và nữ giới hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư đại tràng phải cao hơn 20% so với người cùng giới không hút thuốc.
Khói thuốc lá cũng gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột, làm thay đổi các chất chuyển hóa trong ruột và suy giảm chức năng hàng rào bảo vệ niêm mạc đại tràng, tăng nguy cơ ung thư biểu mô đại tràng.
Uống rượu bia
Tiến sĩ Khanh cho biết thêm người uống rượu bia từ trung bình đến nhiều, tăng nguy cơ ung thư đại tràng 1,2-1,5 lần. Rượu bia gây ung thư theo nhiều cơ chế. Uống rượu dẫn đến tăng chất oxy hóa trong tế bào. Chính các sản phẩm chuyển hóa từ ethanol trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra ung thư đại trực tràng. Khi vào cơ thể, ethanol có trong bia rượu được chuyển hóa thành acetaldehyde, làm tổn thương tế bào, hỏng chuỗi DNA.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Chế độ dinh dưỡng dễ mất cân bằng nếu ăn quá nhiều thịt đỏ, đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, nhiều đường... Ăn ít chất xơ và rau quả làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý. Theo tiến sĩ Khanh, ăn ít rau quả, chất xơ là nguyên nhân của 19% số ca ung thư đại tràng. Nếu ăn đủ và đa dạng rau quả có thể giảm 20% nguy cơ ung thư. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi ngày người trưởng thành nên tiêu thụ ít nhất 400 g rau quả để phòng bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và đại tràng.
Lối sống ít vận động
Ít vận động ảnh hưởng quá trình trao đổi chất, dẫn đến thừa cân, béo phì, hạn chế lưu thông máu, mất cân bằng nội tiết tố. Người lười hoạt động thể chất cũng tăng nguy cơ viêm mạn tính và ung thư đường tiêu hóa, trong đó có ung thư đại tràng.
Nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ và một số đơn vị, vào năm 2016, trên 1,44 triệu người trưởng thành, cho thấy mức độ hoạt động thể chất cao giảm 16% nguy cơ ung thư đại tràng và 13% nguy cơ ung thư trực tràng so với lười vận động. Bác sĩ Khanh khuyên mỗi người nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày tập thể dục thể thao vừa sức để có cơ thể khỏe mạnh.
Trịnh Mai