Ông Nguyễn Văn Mậu (65 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM) bị cốt hóa dây chằng dọc sau cột sống cổ từ 15 năm trước. Triệu chứng bệnh lý không rõ rệt, không quá ảnh hưởng đến cuộc sống nên ông bỏ qua không theo dõi, điều trị. 4 tháng gần đây, bệnh bắt đầu trở nặng. Tứ chi của ông teo dần, sức cơ giảm, khó cầm nắm và hạn chế đi lại, rối loạn cảm giác. Ông khó ngủ do cảm giác nóng ran vùng cổ gáy. Các ngón tay và ngón chân tê rần, co cứng như bị băng keo quấn chặt.
Ông Mậu uống nhiều loại thuốc từ đông tây y, chạy chữa nhiều nơi, thậm chí từng trải qua một cuộc phẫu thuật nhưng không thuyên giảm.
BS.CKI Trần Xuân Anh (Trưởng khoa Thần kinh Cột sống - Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) trực tiếp thăm khám cho ông Mậu, cho biết, các triệu chứng kể trên là biểu hiện của tình trạng hẹp ống sống cổ, dẫn đến tổn thương tủy sống. Xuất phát điểm là bệnh lý cốt hóa dây chằng dọc sau như ông Mậu từng được chẩn đoán trước đây. Tuy nhiên bệnh nhân không có kế hoạch theo dõi tiến triển, dẫn đến biến chứng yếu liệt.
Dựa trên kết quả lâm sàng và cận lâm sàng, tầm soát các yếu tố nguy cơ ở người cao tuổi, bác sĩ Xuân Anh quyết định phẫu thuật giải phóng tủy sống cho người bệnh.
Theo bác sĩ Xuân Anh, giải phóng tủy sống đòi hỏi tỉ mỉ, bởi chỉ cần lệch một mm cũng có thể gây tổn thương tủy không thể phục hồi, gây liệt toàn thân, thậm chí là sự sống còn của người bệnh.
Với sự trợ giúp của máy mài cao tốc, dao cắt siêu âm và hệ thống kính vi phẫu Opmi Vario 700 Zeiss hiện đại, bác sĩ Xuân Anh tiến hành thao tác cắt bản sống để không làm tổn thương tủy sống, hạn chế tối đa mất máu. Sau khi khoan mài giải ép, giải phóng tủy sống để tránh tình trạng mất vững cột sống cổ thứ phát, bác sĩ cố định cột sống cổ lối sau bằng nẹp vít.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 3 giờ. Khi vừa hồi tỉnh, ông Mậu có thể vận động tay chân. Hai ngày sau, ông đi lại được. Ngày thứ 5, các cơ ở bàn tay đã mạnh lên, phình rõ hơn hẳn.
"Bước ra khỏi phòng mổ, tôi tỉnh táo, không đau đầu, không khó chịu. Những ngày sau, cảm giác nóng rát cổ gáy không còn, tôi ngủ ngon hơn", ông Mậu nói.
Dấu hiệu cảnh báo cốt hóa dây chằng dọc sau
Theo bác sĩ Xuân Anh, cốt hóa dây chằng dọc sau (Ossification of the posterior longgitudial ligament - OPLL) do sự lắng đọng canxi bất thường. Bệnh gây ra tình trạng hẹp ống sống cổ và tổn thương tủy sống (SCI), trở nặng khi gặp chấn thương vùng đầu, cổ. Bệnh thường tiến triển âm thầm nên ít khi được phát hiện hoặc phát hiện tình cờ khi chụp X-quang hay chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ.
Bác sĩ Xuân Anh cho biết thêm, cốt hóa dây chằng dọc sau và các biến chứng thần kinh liên quan không hiếm ở các nước Đông Á. Tỷ lệ mắc bệnh ở Trung Quốc là 200/100.000, ở Nhật là 400/100.000, phổ biến ở nam giới cao tuổi. Cốt hóa dây chằng dọc sau có thể gây ra bệnh lý rễ và bệnh lý tủy với những biểu hiện khác nhau.
Ở bệnh lý rễ, biểu hiện chủ yếu là đau và tê ở cổ gáy, đồng thời có thể lan xuống vai, tay. Người bệnh nhức nhối, khó chịu; giảm khả năng vận động của tay do bị teo cơ ở giai đoạn nặng.
Ở bệnh lý tủy, người bệnh thường có triệu chứng tê và yếu liệt. Bắt đầu từ vùng bụng trước, tứ chi, gây khó khăn khi đi lại; dễ thiếu hơi, khó thở... Cơ thể bị yếu liệt, đi lại không vững, dễ té ngã, nghiêm trọng hơn là làm dập tủy cổ gây liệt tứ chi, ngưng hô hấp và rất dễ tử vong.
Hẹp ống tủy cổ do thoái hóa là bệnh lý mắc phải, không xuất phát từ yếu tố bẩm sinh. Triệu chứng khởi phát thường kín đáo, tiến triển hàng chục năm. Đến khi có dấu hiệu rõ rệt, tổn thương thường đã nặng và ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh.
Bác sĩ Xuân Anh chia sẻ thêm, hiện có nhiều lựa chọn để kiểm soát bệnh cốt hóa dây chằng dọc sau như theo dõi và thực hiện phẫu thuật. Ngoài ra, tổn thương tủy cổ và các khuyết tật thần kinh liên quan, có nhiều khả năng xảy ra hơn ở người mắc bệnh này. Người bệnh cần được cảnh báo về khả năng bị tổn thương tủy để có phương án quản lý, quyết định điều trị can thiệp khi xuất hiện dấu hiệu chèn ép.
Thái Vũ (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Để đăng ký khám bệnh với các chuyên gia khoa Thần kinh Cột sống, bệnh nhân có thể đặt lịch khám trực tuyến tại đây.