Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày lễ tôn vinh những người dạy học và những người trong ngành giáo dục, thể hiện truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta hàng ngàn đời nay. Thế nhưng đôi khi những giáo viên về hưu lại có cảm giác bị lãng quên, như trường hợp của mẹ tôi.
Mẹ tôi năm nay 65 tuổi, đã về hưu được tròn 10 năm. Trước khi về hưu, mẹ công tác tại một trường THCS thuộc huyện Cư Kuin, Đăk Lăk. Mẹ đã cống hiến 35 năm trong ngành giáo dục, dạy dỗ và dìu dắt biết bao thế hệ học trò. Ngày mẹ có quyết định về hưu, tôi hỏi: "Mẹ có buồn khi phải xa trường lớp, xa học trò không?". Mẹ chỉ mỉm cười và trả lời: "Cảm giác xao xuyến, xúc động thì có, nhưng buồn thì không, vì mẹ đã làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo".
Mỗi năm, cứ gần đến ngày 20/11, tôi lại thấy rõ vẻ háo hức trông chờ trên gương mặt của mẹ. Việc mẹ mong đến ngày tôn vinh công việc mà cả đời mình cống hiến cũng dễ hiểu thôi. Thường thì gần đến ngày này, trường cũ nơi mẹ từng công tác sẽ gửi thiệp mời dự lễ mít tinh. Đó sẽ là ngày mẹ mặc áo dài quay về ngôi trường mà mình từng gắn bó suốt cả cuộc đời giảng dạy, để một lần nữa ôn lại những kỷ niệm đẹp về sự nghiệp trồng người của mình.
>> Những món quà tri ân 'lu mờ' công sức của giáo viên
Vậy nhưng, năm nay, đã gần đến ngày 20/11 rồi, vậy mà mẹ vẫn không nhận được tấm thiệp mời. Hỏi ra, tôi mới biết trường chỉ gửi thiệp cho những giáo viên về hưu từ năm 2017 trở đi, còn những giáo viên về hưu trước đó sẽ không được mời tham dự nữa. Lý do trường đưa ra là vì ngân sách hạn hẹp nên phải cắt giảm. Không chỉ mẹ tôi, thông tin này đã làm cho rất nhiều giáo viên về hưu cùng thời khác với mẹ cảm thấy chạnh lòng.
Tôi tự hỏi, chẳng lẽ những giáo viên về hưu kỳ cựu lại không xứng đáng được tôn vinh và nhớ đến hay sao? Rất mong những hoạt động tri ân giáo viên lớn tuổi sẽ được quan tâm đúng mực hơn nữa. Xin đừng lãng quên những giáo viên đã về hưu như vậy.
Phạm Trung Kiên
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.